Thầy cô "tung chiêu" kéo trò đến lớp
Ở các trường vùng cao, sau mỗi dịp nghỉ Tết dài, thầy cô lại canh cánh nỗi lo làm sao có thể huy động học sinh trở lại trường học. Sau bao năm trăn trở, giáo viên đã có những "sáng kiến" bất ngờ.
Cái khó của giáo viên vùng cao
Chạng vạng tối, cô Bùi Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Huổi Lếch, xã Huổi Lếch vẫn cùng các giáo viên trong trường và một số thầy cô ở trường tiểu học đến hai bản Nậm Hính 1 và Nậm Hính 2 để vận động học sinh ra lớp.
Hai bản này xa trung tâm nhất, chừng 20km đường rừng. Con đường đất vốn đã khó đi, sương xuống trơn trượt lại càng khó đi hơn. Vì vậy, mấy thầy cô giáo lại phải tìm chỗ gửi xe máy, "cuốc bộ" lên bản để tìm học trò.
Huổi Lếch là xã khó khăn nhất của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đường sá đi lại khó khăn, địa hình chia cắt bởi các dãy núi cao và suối sâu, mùa lũ nước suối dâng cao nên việc huy động trẻ ra lớp sau mỗi đợt hè hay Tết luôn là bài toán khó.
"Đây là một phần công việc của GV cắm bản, nhất là sau ngày nghỉ lễ, Tết và dịp hè. Chuyện ngã xe, bong gân, sai khớp và trầy xước thì nhiều vô kể…", cô Thanh chia sẻ.
Để vận động học sinh ra lớp, thầy cô giáo ở các trường trên cùng địa bàn đã xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, trưởng bản. Năm nào cũng vậy, họ phải ăn "Tết vội" nơi quê nhà để lên trường, trang trí lớp, đến nhà chúc Tết, thăm hỏi, động viên trò ra lớp.
"Gần chục năm trở về trước, việc vận động học sinh ở các điểm bản xa đến lớp sau mỗi đợt nghỉ Tết dân tộc, Nguyên đán, dịp hè rất vất vả. Bởi người dân chưa quan tâm đến việc học của con, thầy cô đến tuyên truyền cũng không nghe; kí cam kết cũng chẳng ai thực hiện.
Không ít giáo viên rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi đến nhà, phụ huynh học sinh không tiếp. Có người viện lý do: Cho con ở nhà còn đi chăn trâu, đi nương, trông em, bố mẹ làm việc mới có thóc, ngô mà ăn. Đi lớp học chữ có cái gì để ăn… không đi học đâu.
Như mưa dầm thấm lâu, giáo viên cắm bản cần mẫn thuyết phục gia đình, kể chuyện lớp, chuyện trường cho học sinh… rồi cha mẹ cũng hiểu, trẻ thích ra lớp", cô Lò Thị Thùy - giáo viên Trường Tiểu học Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) bộc bạch.
Nhân rộng mô hình hay
Trường Tiểu học Hồ Thầu (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) có 316 học sinh, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đa số học sinh đều ở xa nên trường có 6 điểm trường, phụ trách giảng dạy cho học sinh của 8 điểm bản toàn xã. Vì vậy, mỗi khi về nhà là học sinh rất "ngại" quay trở lại lớp.
"Ngày trước, quả thực vận động học sinh đi học sau mỗi đợt Tết rất khó khăn. Phần bởi nhà các em xa, nhận thức của phụ huynh về việc học của con em hạn chế. Vì thế, thầy cô và chính quyền đến vận động rát cổ họ cũng không nghe", thầy Đặng Văn Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồ Thầu chia sẻ.
Trước thực tế đó, giáo viên các trường học ở huyện Tam Đường luôn đau đáu tìm "lời giải" cho "bài toán" gọi học sinh đến lớp. Thế rồi mỗi người tham gia "hiến kế" cho ban giám hiệu. Trường này học trường khác, cứ thế nhân rộng.
"Có trường tổ chức Ngày hội Xuân, gồm thi văn nghệ, thể thao; thi các môn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Có trường tổ chức Hội chợ giới thiệu gian hàng truyền thống. Sản phẩm do các em mang từ nhà ra để trưng bày… Trước ngày nghỉ, thầy cô chủ nhiệm dặn dò phụ huynh, học sinh, nhờ trưởng bản nhắc nhở ngày ra trường để phụ huynh và học sinh nhớ, chủ động đến lớp", thầy Trường chia sẻ.
Trong các trò chơi, lễ hội được triển khai có lẽ "xổ số tự chọn" là trò thu hút học sinh nhất. Trước đợt nghỉ Tết, mỗi em được phát một tờ "vé số". Trên tấm vé có thông tin "ngày mở thưởng", đó chính là ngày trở lại trường sau đợt nghỉ Tết cùng phần quà hấp dẫn. Vì thế, không nhắc, học sinh cũng sẽ chủ động nhớ ngày lên lớp.
"Trò chơi này không mang tính ăn thua mà chỉ là may mắn. Ban tổ chức là chính quyền xã và nhà trường. Nguồn quỹ tổ chức thu được từ vé do các em mua với giá 2.000 đồng/vé, cộng với nguồn hỗ trợ của thầy cô toàn trường.
Số tiền có được, nhà trường mua phích nước, ấm điện, đồ dùng học tập (bút, thước kẻ, sách, vở, tranh, truyện…) để tặng cho học sinh. Với em không có tiền mua, thầy cô cho, tặng.
Nhờ vậy, các em cất giữ cẩn thận và rất nhớ ngày đến nhận giải. Vì thế, thầy cô không phải đến tận nhà để gọi như ngày xưa nữa", thầy Trường hồ hởi nói.