Thầy cô đã “nhẹ nhàng” hơn!

(Dân trí) - Sau khi báo chí liên tục đăng tải các thông tin về việc thầy cô đánh mắng, trừng phạt học trò, từ các trường đã xuất hiện những hiệu ứng đầu tiên: Học trò phấn chấn hơn hẳn khi thái độ “phát xít” của thầy cô mình giảm đi rõ rệt.

Thầy “Giave” không còn là mối đe doạ

 

Theo lời kể của T.H, học sinh một trường THPT nổi tiếng ở Nam Định, thì học trò nhiều thế hệ của trường này mỗi khi nhắc đến tên thầy H., giáo viên dạy ngoại ngữ của trường mình luôn với vẻ hoảng hốt và lo sợ. 

 

“Thầy H. còn có biệt hiệu là Giave (tên viên cảnh sát khét tiếng trong tiếu thuyết trứ danh “Những người khốn khổ” của Vichto Huygô). Thầy “Giave” có một “biệt tài” là đấm học sinh nhanh như chớp khiến học sinh không bao giờ kịp né! Thầy khá cao to nên những cú đấm của thầy thường rất nặng ký.

 

Mà thầy lại rất dễ nổi xung. Bọn em mỗi khi chuẩn bị bước vào giờ học của thầy, đầu óc đứa nào đứa ấy cứ căng lên như sợi dây đàn. Lúc nào cũng trong tình trạng phấp phỏng có một cú đấm bất thình lình giáng xuống. Chẳng còn đầu óc nào để học nữa!” - T.H kể.

 

Nhưng T.H cho biết, thời gian khoảng 2 tuần trở lại đây, thầy “Giave” đột nhiên trở nên rất... nhã nhặn. Tuy nhiên, tính nóng của thầy thì chắc là không thể thay đổi được nên những lúc nào bực tức là thầy mặt đỏ tía tai, thay vì đấm học sinh, thầy đấm ầm ầm lên bàn và lên bảng!

 

Một điều khá bất ngờ và thú vị là T.H lại đưa ra nhận xét: “Sau hai tuần thầy H. thay đổi phong cách thì bọn em nhận ra là thầy cũng khá... dễ thương vì thầy giảng bài rất hay, phát âm rất chuẩn. Thầy nhiệt tình và có cách giảng bài rất thông minh. Thầy “Giave” đã không còn là mối đe doạ với chúng em nữa và em hy vọng điều này sẽ là mãi mãi!”

 

Không phải là “đòn thù”!

 

18/20 em học sinh của trường THPT Giảng Võ, Hà Nội khi được hỏi em có nhận xét gì về việc các thầy cô giáo “xuống tay” khá mạnh với học sinh mà báo chí đã liên tục đưa tin trong thời gian qua, đều có chung nhận xét khá già dặn và chín chắn: Đó là một hiện tượng rất đáng lên án. Tuy nhiên, học sinh chúng em cũng nên có cách nhìn nhận đỡ tiêu cực hơn về vấn đề này. 

 

Em Văn Phương, học sinh khối 11 bộc bạch: “Vì bản thân chúng em, ngay khi ở nhà, lúc nào bố mẹ chúng em giận quá vẫn cầm roi đánh. Nhưng sau đó, chúng em biết bố mẹ cũng xót lắm. Các thầy cô giáo ở trường nếu có lúc nào đó cư xử với chúng em như vậy, chúng em tin rằng các thầy cô cũng xót vậy và chắc chắn nếu có lỡ đánh chúng em,  các thầy cô cũng không bao giờ coi đó là đòn thù!”

 

Còn bạn Hoàng Yến kể về cô giáo dạy Toán của mình rất hài hước: “Cô giáo H. dạy Toán của em nói rất to. Lúc nào cô cũng lên lớp với một cái cặp và một cái thước kẻ lớn. Đó là loại thước thợ may. Nhưng chúng em vẫn không sợ cô vì cô H. rất hay vừa đánh vừa nói với bọn em những câu rất hài hước. Có hôm, cô cầm thước thợ may đuổi bạn Hoa chạy vòng quanh lớp vì dạy bạn ấy cách giải phương trình mà mấy lần toàn đưa ra nghiệm sai, cả lớp được một phen cười vỡ bụng!”

 

Hoàng Yến tiếp tục kể, nhưng giọng trầm hẳn xuống: “Nhưng mấy hôm nay, cô lên lớp có vẻ buồn lắm. Rồi cô bảo bọn em: Tính cô “đồng bóng” thế nên mới hay đánh các em, nếu có bạn nào lại đi kiện cô rồi lại bảo cô đánh các em bầm tím thì cô sẽ khổ tâm lắm! Các em cố học cho tốt và đừng để cô phải nổi cơn “đồng bóng” nữa nhé!”

 

“Tất nhiên, vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn có những thầy cô “xuống tay” với học trò của mình một cách tàn nhẫn. Những giáo viên đó không thể được tha thứ để tiếp tục chấp nhận trong môi trường giáo dục.

 

Nhưng tôi mong rằng, đừng có phụ huynh hay học sinh nào lợi dụng điều đó để làm to chuyện và nhân cơ hội tố cáo thầy cô giáo của mình. Về cơ bản, đội ngũ gần 1 triệu giáo viên của chúng ta đều là những người xứng đáng với danh hiệu cao quý: Người thầy!” - Một lãnh đạo của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã chia sẻ cảm xúc của mình trước hiện tượng “bùng nổ” trên báo chí nạn bạo hành trong nhà trường trong thời gian vừa qua như vậy.

 

Minh Hạnh