GS Hồ Ngọc Đại:

“Thầy chỉ thiết kế, trò là người thi công”

(Dân trí) - “Trẻ muốn gì thì phải tự làm ra cái đó thì chắc hơn, không còn bị động. Thầy chỉ thiết kế, trò là người thi công” - đó là chia sẻ của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại tại hội thảo "Giải pháp Công nghệ giáo dục bậc Tiểu học" diễn ra ngày 15/6 tại Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội.

Hội thảo do Trung tâm Công nghệ Giáo dục (NXB Giáo dục) và Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội tổ chức nhằm tìm kiếm mô hình giáo dục tiểu học trong tương lai, giải pháp công nghệ giáo dục (CNGD) giúp phát triển năng lực học sinh tiểu học và tăng cường phối hợp gia đình và nhà trường. 

ảnh
Tại hội thảo, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại (ảnh) - người biên soạn nguyên tắc CNGD giải thích, việc dạy cho học sinh tiểu học hiện đã khác nhiều so với cách dạy cũ cách đây hàng chục năm, hàng trăm năm. “Trẻ con đang là sản phẩm của thời đại. Trước kia, ông của cháu có cái gì thì dạy cho cha cháu cái đó. Nhưng nay thì cháu có những cái mà cha, ông chưa thể có được. Ví dụ như trẻ tiếp cận sử dụng điện thoại di dộng, điều khiển tivi rất nhanh, trong khi cha, ông có lẽ còn mất nhiều thời gian hơn”.

Cũng như vậy, giáo viên có thể không làm được hoặc chưa nghe nói đến những việc mà con trẻ lại có thể làm được. Như vậy, tình huống sẽ diễn ra theo 2 cách: Nghe theo người lớn hoặc nghe theo trẻ con để thay đổi cách giáo dục. “Tôi chọn cách thứ hai, lấy trẻ con là chuẩn để thay đổi” - GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Trải qua hàng chục năm nghiên cứu, bộ sách tiếng Việt lớp 1 của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại biên soạn theo phương pháp CNGD hiện được 40 địa phương áp dụng. Phương pháp này đặt ra mục tiêu giúp trẻ tự chủ trong học tập, đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bị tái mù chữ.

Theo Tiến sĩ Ngô Hiền Tuyên - Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), CNGD là một cách làm được kiểm nghiệm trên thực tiễn. Việc áp dụng công nghệ dạy tiếng Việt vào lớp 1 giúp học sinh đọc thông viết thạo, học đâu chắc đó, tạo thói quen làm việc trí óc cũng như tối đa hóa năng lực của từng học sinh.

Từ nghiên cứu của CNGD, TS Ngô Hiền Tuyên nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc khuyến khích con tự học, đưa ra lời khen thường xuyên, biết kiên nhẫn và lắng nghe, kiểm soát việc học của con bằng cách đặt câu hỏi.

“Đặc biệt, cha mẹ không nên dạy con học trước, không nên chê con khi con chưa làm được, không nên nóng giận và áp đặt suy nghĩ của mình. Không tạo áp lực về điểm số, thành tích” - TS Ngô Hiền Tuyên nói.

Hoàng Mạnh