Thấp thỏm lỡ đò, muộn học

(Dân trí) - Tinh mơ, hơn 200 học sinh của thôn Trung Hiếu Thượng và Trung Hiếu Hạ xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam lại tất tưởi đến trường với nơm nớp những nỗi lo thường trực: trời trở gió, nước dâng cao, đò đầy và muộn học...

Thấp thỏm lỡ đò, muộn học - 1

Học sinh chờ đò trong nỗi lo lỡ chuyến.
 
Sợ đò mà vẫn phải đi

Không phải là một ốc đảo nhưng hai thôn Trung Hiếu Thượng và Trung Hiếu Hạ  bị chia cắt với các thôn khác trong xã bởi dòng Sông Đáy. Nên con đò chở khách sang sông ra đời như một lẽ thường tình với vùng quê nghèo chiêm trũng, lũ lụt quanh năm này. Chỉ có điều, mỗi chuyến đò từ bờ này sang bờ kia, chở những ước mơ đèn sách của hàng trăm đứa trẻ làm cho các ông bố bà mẹ lo lắng, thấp thỏm: trời có lặng gió, sông có hiền hoà, các con họ có đến lớp kịp giờ, có an toàn khi lênh đênh "cưỡi sóng" hay không?

Đám học sinh nhốn nháo phi xe rầm rầm xuống bến tranh nhau lên đò làm tôi phát hoảng. Nhường chỗ cho các cô cậu học trò tới ba lần, tôi mới quyết định "liều mạng" ngồi trên một chuyến đò đầy với ngổn ngang hàng hoá cùng vài chục chiếc xe đạp và cũng từng ấy sinh mạng. Con sông Đáy đoạn này nước sâu, chiều rộng chỉ chừng 200m vì thế mà chảy xiết, bèo Tây dạt cả vào bờ. Tôi giật mình khi chú ý tới cô bé lái đò trạc tuổi 20 hôm nay chở đò thay bố, thiếu kinh nghiệm khiến con đò tròng trành. Thỉnh thoảng có gió thổi, chiếc đò lại "đánh võng" trên sông, khi có tàu chở đá ầm ầm vút qua thì nó chao đảo. 15 phút trên đò làm tôi toát cả mồ hôi.

Thế mà những vị khách trẻ tuổi ấy có vẻ bình thản lắm, tự tin lắm. Em Đinh Văn Khánh, thôn Trung Hiếu Hạ, học sinh lớp 6B trường THCS xã Thanh Hải hồn nhiên: "Những ngày đầu đi học, bọn em cũng run lắm vì cứ lo mấy cái tàu ấy đâm vào đò. Nhưng mỗi ngày có đến chục cái tàu chạy qua nên quen rồi, không thấy sợ nữa. Đi đò mà nhát như chị thì chúng em nghỉ học hết à?". Kể cũng phải, cái gì lâu rồi cũng thành quen.          

Học sinh ở đây dường như đã "gắn bó" với con đò, với sự nguy hiểm! Mà chúng cũng chẳng có cách gì hơn vì lẽ không có con đò chúng làm sao được học chữ, làm sao thực hiện được ước mơ!
 
Thấp thỏm lỡ đò, muộn học - 2

Học sinh vội vã lên đò. 

Theo chân các em "lỡ đò", tôi tới trường trong cái vội vã của học sinh muộn giờ. Ông bảo vệ dường như quen nên "tha" cho đám "chuyên gia" đi học muộn ấy bằng cái hẩy tay xuề xoà. Thầy Trần Ngọc Lung- Hiệu trưởng trường THCS xã Thanh Hải, người  thôn Trung Hiếu Hạ, cũng có một tuổi thơ phải qua đò học chữ, nhắc đến học trò của mình với nhiều trăn trở: "Lo chất lượng học tập của các em thì ít, lo cho tính mạng các em thì nhiều. Có hôm, trống đã đánh vào lớp mà học sinh hai thôn bên kia sông vắng gần một nửa. Chúng tôi lo lắng đứng ngồi không yên, chỉ mong các em nghỉ học chứ sợ...các em qua đò gặp nạn. Nửa tiếng sau các em mới đến lớp, thấy thầy cô  đứng ở cổng, lại tưởng bị phạt nên trò nào cũng lắp bắp: "Thưa... thưa thầy em... em lỡ đò ạ". Trông bộ dạng thất thểu của học trò vừa mừng lại vừa xót vì hôm nay các em được bình yên đến lớp, nhưng ngày mai...?"

“Chỉ cần có một cây cầu... bé thôi cũng được!”

 

Sông nước tưởng chừng như quen từ cái thuở lọt lòng với bọn trẻ, nhưng những hiểm nguy rình rập thì chẳng có cách nào tránh được. Sợ nhất vào mùa nước lũ, vùng Tây Đáy lũ lụt liên miên, dòng sông chẳng ngày nào nước không dâng cao, có khi lên tới hàng mét, chảy xiết dữ dội. Mùa nước cạn, người đi đò thường chủ quan nên không mấy cảnh giác với gió tây, loại gió đến đi bất ngờ nên những rủi may chẳng thể lường hết. Thế nên, con đường đến lớp của học sinh hai thôn này chỉ dài 4km mà được tính bằng cả những "lỡ may", những thấp thỏm dằng dặc lúc tinh mơ tiễn con đi học cho tận tới chiều nhập nhoạng ngóng con về của bậc phụ huynh. Cô Nguyễn Thị Hiếu, thôn Trung Hiếu Hạ, có cô con gái đang học trường THPT Thanh Liêm tâm sự: "Để con cái ít chữ thì cha mẹ có lỗi, nhưng ngày nào con đi học là ngày đó chúng tôi lo đến thắt ruột, thắt gan. Kể mà có tiền xây được cây cầu cho con đỡ khổ thì cũng mát lòng nhưng làm nghề nông, tiền học cho con còn phải chạy vạy thì bao giờ mới có ngày đó ...".

Con đò đầy chở học sinh đến trường với tiềm ẩn những rủi ro.

Em Đinh Hồng Thái, học sinh lớp 7A, trường THCS xã Thanh Hải vừa loay hoay dắt chiếc xe đạp, vừa tha thiết kể về ước mơ: "Chẳng cần phải... lấp Sông Đáy làm đường đi đâu chị ạ. Chỉ cần có một cây cầu, bé thôi cũng được. Em sẽ đạp xe một mạch tới trường mà chẳng phải đi đò, mệt lắm. Cây cầu bắc từ làng em...". Chưa kịp "thiết kế" một cây cầu be bé trong đầu, Thái bất giác thốt lên tiếc nuối ngước mắt nhìn con đò đang tiến sang bờ bên kia: "Em lại lỡ đò rồi, tại chị đấy. Ôi lại chậm tiết truy bài mất thôi". Thế là cậu bé nhất quyết không nói gì nữa mà cứ nhìn chằm chằm vào con đò cập bến, trả khách rồi quay đầu. Cứ như sợ trong giây lát, con đò lặn xuống đáy sông khiến cậu không thể đến trường.

Chẳng ai nhớ bến đò có tự khi nào, cũng chẳng biết từ bao giờ người ta dùng đò để sang sông. Những người già trong làng vẫn thường kể lại một vụ lật đò chết hàng chục người cách đây mấy chục năm để nhắc nhở con cháu mình cẩn thận. Ông Đào Ngọc Lưu, thôn Trung Hiếu Thượng, năm nay 78 tuổi ngậm ngùi nhớ: "Năm đó, những người đi lấy củi sớm chèo đò trên dòng sông này bất ngờ gặp gió mạnh và đò bị lật úp... Sông nước có chừa ai đâu. Tôi sống gần trọn một đời người mà cứ lo ngay ngáy hết cho con rồi đến cháu. Người ta quen sông, quen đò mà còn có lúc nữa là đám con trẻ dại tập tẹ biết bơi". Cái giọng kể của người già cứ chậm rãi, đều đều và đôi mắt xa xăm buồn khiến người nghe cũng nao lòng. Xin cầu trời để “sông Đáy chậm nguồn qua... bến chữ”.

Hà Vân