Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

“Tháo khoán” tự chủ tuyển sinh sẽ gây rối loạn cho xã hội

(Dân trí) - “Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, các trường sẽ tự chủ tuyển sinh. Tất cả các trường có quyền tổ chức tuyển sinh nhưng phải lập phương án để bộ phê duyệt, không làm kiểu “tháo khoán” với tất cả các trường” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết.

Tại hội nghị thi và tuyển sinh vừa qua, một lần nữa vấn đề tự chủ trong tuyển sinh được các trường đề cập. Phó Giám đốc ÐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Năm 2013, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) có hiệu lực, trong đó nhấn mạnh vấn đề khẳng định một số quyền của các trường, nhất là quyền liên quan đến vấn đề tuyển sinh. Do đó, kế hoạch đổi mới tuyển sinh cần triển khai cấp bách hơn. Vì kỳ thi “ba chung” và kế hoạch đặt ra so với hiệu lực của Luật GDĐH không còn phù hợp nữa.
 
Thí sinh tham dự kì thi ĐH năm 2012.

Thí sinh tham dự kì thi ĐH năm 2012.
 
Với việc năm 2012 gặp khó trong tuyển sinh nên các trường ngoài công lập liên tục kiến nghị bỏ điểm sàn cho thấy rằng họ rất “nóng lòng” được tự chủ khâu này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Nếu “tháo khoán” tự chủ tuyển sinh sẽ gây rối loạn cho xã hội và quan trọng hơn là làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Muốn được tự chủ khâu này thì các trường lập phương án và đủ các điều kiện bảo đảm tuyển sinh nghiêm túc là bộ phê duyệt. Ngay cả các trường ngoài công lập nếu có đề án khả thi Bộ cũng sẽ phê duyệt ngay.

Một điều mà ai cũng biết, muốn được tự chủ tuyển sinh đòi hỏi phải có đủ số lượng giảng viên tham gia từ khâu làm đề thi, tổ chức thi, chấm thi…Sẽ có ý kiến cho rằng tất cả các khâu này trường có thể những đơn vị có năng lực nhưng trên thực tế không dễ bởi nói còn liên quan đến rào cản khác như đảm bảo tính bảo mật của đề thi, thẩm định đề thi… Như vậy mô hình chung chỉ có những trường có về dày truyền thống lâu năm và có năng lực thì may ra mới thực hiện được một cách “trơn chu”.

Song trên thực tế, Bộ GD-ĐT từng giao thí điểm cho một số trường lập phương án tuyển sinh như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương... nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương án nào được duyệt. Một phần vì các trường này đánh giá công tác thi “3 chung” vẫn còn ưu điểm và bản thân họ cũng chẳng bao giờ gặp khó khăn trong tuyển sinh. Phần quan trọng hơn đó là lo lắng về trách nhiệm khi xảy ra sai sót.

Ngay cả hai trường ĐH Quốc gia với năng lực có “thừa” nhưng đến nay vẫn nấn ná chưa thực hiện tuyển sinh riêng cho dù Bộ GD-ĐT luôn “cởi mở”. Tại hội nghị tuyển sinh vừa qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chính thức thông báo: Năm 2013, cả hai trường ĐH Quốc gia vẫn chọn phương án thi “3 chung”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lập phương án tuyển sinh riêng lại khó đến vậy? Không khó để nhìn ra đáp án bởi với việc Bộ GD-ĐT không đưa ra tiêu chí lập phương án thì các trường đành phải “mò mẫm” tự làm. Nhưng làm xong rồi thì vẫn phải thực hiện cơ chế “xin - cho”. Việc không có tiêu chí đánh giá phương án ngay từ đầu một cách cụ thể nên việc Bộ GD-ĐT “lắc đầu” cũng là chuyện hết sức bình thường.

Với việc “chơi khó” các trường như vậy, dư luận sẽ không khỏi hoài nghi về năng lực của Bộ GD-ĐT. Trong tay có Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ giáo dục ĐH… nhưng lại không thể đưa ra những “gợi ý” chung để các trường bám “khung” lập phương án cụ thể phù hợp với đơn vị của mình. Quan trọng hơn dựa vào các tiêu chí này bản thân các trường sẽ đánh giá được phương án của mình có khả thi hay không mà không cần phải chạy đi, chạy lại. Bên cạnh đó, với việc các trường “mò mẫm” để lập phương án như hiện nay thì chuyện tiêu tốn ngân sách nhưng sau đó lại “đắp chiếu” là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.

S.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm