Thanh tra các địa phương lạm phát học sinh giỏi

Chiều 17/1, Thứ trưởng GD- ĐT Nguyễn Văn Vọng cho biết, sẽ tiến hành thanh tra những địa phương có <a href="http://www.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/1/98234.vip">số lượng học sinh giỏi tăng đột biến</a>. Nếu phát hiện bệnh thành tích hoặc tiêu cực, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý kỷ luật, buộc thôi việc cán bộ liên quan.

"Tôi xin khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Bộ GD- ĐT làm trong sạch môi trường học đường, xử lý nghiêm các địa phương có thành tích ảo. Trong Hội nghị thi và tuyển sinh gần đây, chúng tôi cũng đã chỉ đích danh 9 tỉnh thi chưa nghiêm túc", Thứ trưởng Vọng nói.

 

Ông Vọng cho biết, năm 2001, Bộ GD- ĐT cũng từng tiến hành chấm lại toàn bộ bài thi của học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi tại 3 tỉnh. Kết quả, hơn 30 học sinh bị hạ xếp loại học tập, hơn 30 giáo viên bị kỷ luật, nhiều người bị buộc thôi việc.

 

Ngoài vấn đề tăng cường thanh tra, giám sát, Cục trưởng Khảo thí Nguyễn An Ninh cho rằng, muốn chống bệnh thành tích phải thay đổi phương pháp đánh giá. Thi trắc nghiệm là một những phương thuốc hiệu quả để hạn chế gian lận.

 

Theo Bộ GD- ĐT, trong kỳ tốt nghiệp THPT 2005, có 28 tỉnh, thành phố tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%, trong đó có 5 địa phương đạt trên 99%. Đáng chú ý, số lượng học sinh tốt nghiệp loại giỏi tăng đột biến lên gần 25.000 em, gấp đôi năm 2003.

 

Tỷ lệ học sinh giỏi "ảo"được thể hiện khá rõ qua kết quả thi ĐH, CĐ. Theo Tổ công tác nghiên cứu điểm thưởng, thì 20 tỉnh, thành có trên 20% học sinh giỏi điểm thi ĐH dưới 15.

 

Đáng chú ý 263 học sinh giỏi có môn bị điểm 0, nhiều em cả 3 môn đều bị zero. Lập kỷ lục về thành tích ảo là các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang.... Năm 2005, tại các địa phương này, trung bình 2 học sinh giỏi thì có 1 em đạt dưới 15 điểm/3 môn.

 

Theo Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm