Thanh Hóa: Trường mầm non "sống chung" với Uỷ ban nhân dân xã
(Dân trí) - Đi chung một cổng, phòng học sát bên hội trường, sân chơi của học sinh cũng là sân UBND xã… khiến cho trường mầm non Cầu Lộc gặp không ít khó khăn.
Thực trạng trên diễn ra nhiều năm nay tại trường mầm non xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Nhiều năm qua, nhà trường và công sở làm việc của UBND xã phải “sống chung” cùng nhau trên một khu đất, cùng chung cổng đi, chung một sân, dãy phòng học của trường thì sát bên hội trường và phòng làm việc của UBND xã.
Mới đến trường mầm non xã Cầu Lộc, không ai nghĩ đây lại là một ngôi trường mầm non vì cổng vào không có bảng tên, thay vào đó là biển chỉ dẫn “điểm giao dịch” UBND xã Cầu Lộc. Trong khuôn viên, ngoài các lớp học còn có hội trường, phòng làm việc của các ban ngành trong xã.
Chúng tôi đến trường mầm non Cầu Lộc đúng vào ngày xã này đang tổ chức hội nghị trong hội trường. Một số phòng ban của UBND xã vẫn mở cửa đón tiếp công dân, hội trường thì được đóng kín cửa, các đại biểu tham dự hội nghị thì im lặng nghe phát biểu. Sát bên hội trường, trong các lớp học sinh đang vui vẻ học bài nhưng với điều kiện phải im lặng, không được tạo ra tiếng ồn. Lớp nào không may gây ồn, ban giám hiệu lại phải chạy đến nhắc nhở giữ im lặng để các bác đang hội nghị.
Để cho “hai bên cùng có lợi”, hội nghị thì không được mở to loa, ý kiến báo cáo cũng được trình bày kín trong hội trường “cửa đóng then cài”. Ngược lại, các cháu học sinh trong các lớp khi học bài cũng phải vặn nhỏ hết “volume” để không làm ồn đến “các bác”.
Trao đổi với Dân trí, cô Lê Thị Hạnh – Hiệu trường nhà trường cho biết, trước kia diện tích đất trường mầm non đang sử dụng hiện nay là của UBND xã. Từ năm 2009 đến nay xã đã giao lại cho trường quản lý, khu trường mới cũng được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng từ năm đó. Tuy nhiên, do địa phương đang còn khó khăn nên công sở của UBND xã vẫn chưa được chuyển tới địa điểm mới theo quy hoạch.
Trong năm học này, trường mầm non Cầu Lộc có 340 học sinh được phân chia thành 9 lớp học có độ tuổi từ 3 – 5 tuổi. Ngoài ra, nhà trường còn có 2 nhóm lớp độ tuổi từ 24 – 36 tháng tuổi. Do khu trung tâm không đủ phòng học nên nhóm lớp này nhà trường phải tổ chức dạy ở các điểm lẻ ở các thôn.
Việc thiếu thốn cơ sở vật chất nhiều năm đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của nhà trường. Theo đó, các cháu ở độ 3 – 4 tuổi sĩ số học sinh hiện nay phải tổ chức thành 4 lớp mới đủ nhưng nhà trường đã phải dồn lại thành 3 lớp; điều này đã gây khó khăn cho việc tổ chức, ổn định lớp học.
Cũng tại khu chính, trường mầm non Cầu Lộc hiện vẫn chưa có nhà hiệu bộ, ban giám hiệu cùng các giáo viên nhà trường phải hoạt động trong căn phòng chật chội rộng khoảng 20m2. “Mỗi tổ chức hội nghị, họp triển khai công tác chuyên môn, căn phòng này không đủ chỗ ngồi cho 11 giáo viên cũng như ban giám hiệu, chúng tôi phải tổ chức họp ở phòng học của các cháu hoặc mượn hội trường của UBND xã để tổ chức” – cô Hạnh cho hay.
Cũng theo cô hiệu trưởng, nhiều năm qua nhà trường vẫn chưa tổ chức ăn bán trú cho học sinh được do không có bếp ăn. “Phụ huynh có con em theo học tại trường ngày phải mất nhiều lần đến đưa đón các cháu. Mọi người rất mong muốn nhà trường tổ chức ăn bán trú để bớt đi được phần nào khó khăn nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao được. Nhà trường thì không có kinh phí, địa phương thì khó khăn nên vẫn chưa làm được bếp để phục vụ các cháu ăn bán trú” – cô Hạnh nói.
Việc “sống chung” cùng UBND xã cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của trường. Cô Hạnh chia sẻ: “Khổ nhất là hôm nào xã tổ chức hội họp, các cháu không được ra ngoài chơi đã đành, trong lớp thì phải ngồi giữ im lặng, không được nô đùa gây ồn... các cháu nhỏ thì anh (PV) biết đấy. Các bài học hát hay đọc thơ cũng bị hạn chế để giữ trật tự”.
Khu trung tâm khó khăn là vậy, ở các khu lẻ còn “khổ trăm bề”. Không có nước sạch, không có nhà vệ sinh, lớp học ẩm thấp, chật trội… “Để tổ chức được lớp học, các cô giáo phải vào nhà dân xin nước. Rất nhiều phụ huynh muốn đưa con đến trường ở độ tuổi này nhưng chúng tôi không dám nhận vì không có phòng học, không đảm bảo cơ sở vật chất” – cô Hạnh chia sẻ thêm.
Chính vì có sự chênh lệch ở các khu nên mỗi năm, trường mầm non Cầu Lộc phải tổ chức luân chuyển giáo viên một lần. Các giáo viên dạy ở khu lẻ sẽ được chuyển về khu chính và ngược lại. “Khó khăn chung nên chị em chúng tôi phân phối để mỗi người cùng san sẻ với nhau một ít. Ở các khu lẻ, ban giám hiệu cũng gặp nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Mỗi khi về thăm, dự giờ ở các khu này phải đi mất cả buổi” – cô Hạnh nói.
Phải "sống chung" cùng UBND xã nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của nhà trường
Theo kế hoạch, từ nay đếm năm học sau trường mầm non Cầu Lộc sẽ được đầu tư xây dựng thêm 5 phòng học để chuyển các lớp ở khu lẻ về khu trung tâm. Khu nhà hiệu bộ, bếp ăn cũng được đầu tư xây dựng để phục vụ việc tổ chức ăn bán trú cho các cháu nhưng đến nay công trình mới chỉ được đổ đất san lấp mặt bằng.
“Nhà trường, phụ huynh học sinh rất mong muốn công trình sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng dự kiến (năm học 2016 – 2017). Tuy nhiên, hiện nay địa phương đang rất khó khăn về nguồn vốn nên không biết khi nào công trình mới xong. Nhà trường rất chỉ mong có được sự quan tâm của các cấp ban ngành để sớm xây dựng xong công trình để nhà trường, học sinh, phụ huynh bớt đi được phần nào khó khăn” – cô Hạnh tâm sự.
Cũng theo cô hiệu trưởng, trong năm học này, nếu nhà trường không có bếp ăn bán trú thì đến cuối năm sẽ không được xếp loại thi đua. Như vậy, đồng nghĩa với việc mọi nỗ lực của cô trò trường mầm non Cầu Lộc trong năm học này đều là vô nghĩa ?
Thái Bá
(buithaiba@dantri.com.vn)