Thanh Hóa thuộc nhóm đầu cả nước về thiếu giáo viên
(Dân trí) - Theo đánh giá, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước. Trong đó, giáo viên Mầm non thiếu trên 4.000 người.
Chiều 22/12, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác GD&ĐT.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong những năm qua, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong năm 2020, cùng với việc xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được quan tâm xây dựng khang trang. Công tác xây dựng đội ngũ tiếp tục được quan tâm thực hiện. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi Olympic quốc tế và khu vực. Từ năm 2015 đến nay, Thanh Hóa đoạt 12 huy chương Olympic Quốc tế (7 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ); đoạt 4 huy chương Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ).
Kết quả phổ cập giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS luôn được giữ vững, đặc biệt là phổ cập Tiểu học mức độ 3 - mức độ cao nhất hiện nay.
Tuy nhiên, ngành GD&ĐT Thanh Hóa vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, như: Chất lượng giáo dục tuy được nâng lên song chưa đồng đều ở các vùng, miền; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy được quan tâm xây dựng song một số trường học còn khó khăn; đội ngũ giáo viên thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, cùng với đó tình trạng thừa, thiếu cán bộ, giáo viên cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm.
Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục năng lực quản lý còn hạn chế, chậm đổi mới. Một bộ phận giáo viên còn yếu về trình độ, năng lực, việc đổi mới phương pháp dạy học còn chậm, chưa tự bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ…
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, quy mô giáo dục lớn, mỗi năm số học sinh Tiểu học của địa phương này tăng thêm khoảng 20.000 em. Điều này tạo sức ép rất lớn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Đại diện Bộ GD&ĐT ghi nhận, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh/thành phố có Nghị quyết riêng của HĐND tỉnh về ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục Mầm non.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành được quy định về việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non đến năm 2030, để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các trường Mầm non ngoài công lập.
Cũng theo đánh giá, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước. Trong đó, giáo viên Mầm non thiếu trên 4.000 người. Tỷ lệ giáo viên trên lớp cấp Mầm non mới đạt 1,64 giáo viên/lớp, thiếu 0,56 so với quy định của Bộ GD&ĐT; tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp Tiểu học là 1,23, thấp hơn bình quân chung cả nước là 1,42 giáo viên/lớp (yêu cầu tỷ lệ tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).
Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, thì Thanh Hóa còn thiếu 3.034 giáo viên Tiểu học. Trong đó, thiếu nhiều giáo viên các môn đặc thù, như: Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục.
Ngành GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu Quốc gia về GD&ĐT để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn Quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường tiểu học và THCS khu vực miền núi theo mô hình bán trú, nội trú. Có chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn với mức phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng.
Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, các ngành liên quan giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh, số lớp tăng hàng năm. Đồng thời tham mưu cho Chính phủ quy định số lượng cụ thể (số lượng tối thiểu, tối đa) công chức làm việc tại Phòng GD&ĐT, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc…
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì địa phương này luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Song quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Thanh Hóa rất mong nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ GD&ĐT.
Cũng theo ông Tuấn, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, chủ trương nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, đưa sự nghiệp giáo dục địa phương lên tầm cao mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục trong điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các huyện miền núi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần tập trung xây dựng, đưa vào thực hiện 3 Đề án liên quan đến "Phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên", "Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất" và "Phát triển nguồn nhân lực".
Để xây dựng và thực hiện tốt các đề án trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, HĐND tỉnh cần ban hành nghị quyết làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục của 11 huyện miền núi; rà soát, sắp xếp lại cơ sở giáo chuyên nghiệp, quan tâm đến vấn đề tạo đạo nghề, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên các cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới để cùng với cả nước thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đối với sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng thể hiện quyết tâm của địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT, đặc biệt là việc thực hiện 3 đề án mà Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT đã gợi ý triển khai thực hiện trong thời gian tới.