Thanh Hóa: Phát triển văn hóa đọc cho trẻ em nông thôn, miền núi

(Dân trí) - Do thu nhập còn thấp, không có thói quen đọc sách, học sinh chịu sức ép do phải học tập quá nhiều, không có các hiệu sách đến cấp xã, hệ thống thư viện nhà trường và điểm bưu điện văn hóa xã yếu kém... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đói sách” tại các trường học ở nông thôn và miền núi trong nhiều năm.

Hội thảo “Sách cho trẻ em nông thôn, miền núi”

Ngày 29/7, Dự án Tủ sách Lam Sơn (gọi chung là dự án) phối hợp với Hội Khuyến học Thanh Hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo “Sách cho trẻ em nông thôn, miền núi”.

Hội thảo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả việc phát triển văn hóa đọc cho trẻ em tại các vùng nông thôn, miền núi cũng như nâng cao hiệu quả việc xây dựng và quản lý tủ sách lớp học của dự án tại các huyện nông thôn, vùng cao của tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo

Nội dung chính của hội thảo là phát triển và nuôi dưỡng văn hóa đọc cho trẻ em nông thôn miền núi; xây dựng và phát triển tủ sách cho trẻ em nông thôn miền núi; đề xuất kế hoạch triển khai và phát triển bền vững Tủ sách Lam Sơn

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng “đói sách” tại các trường học ở nông thôn và miền núi đã diễn ra trong nhiều năm. Nhiều học sinh ở nông thôn, miền núi hầu như không có thói quen đọc sách và cũng không có nhiều sách để đọc ngoài sách giáo khoa.

Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của nhiều gia đình ở các vùng này còn thấp, phụ huynh không có thói quen đọc sách; học sinh chịu sức ép do phải học tập quá nhiều; không có các hiệu sách đến cấp xã; hệ thống thư viện nhà trường và điểm bưu điện văn hóa xã yếu kém, hầu hết học sinh không được mượn sách từ thư viện nhà trường đưa về nhà.

Ông Phạm Thế Khang, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, cho biết: Tại Thanh Hóa có hàng nghìn thư viện công cộng cấp huyện, xã và trường học chưa được cải thiện nguồn kinh phí bổ sung sách. Điều này đã hạn chế nhu cầu đưa sách về miền núi và nông thôn...

Được khởi xướng ngày 17/10/2016, do những người con xứ Thanh cùng nhiều tập thể, cá nhân trong cả nước hỗ trợ. Đến nay, những người thực hiện dự án đã trao tặng 403 tủ sách cho nhiều trường học tại các huyện: Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Đông Sơn.

Điểm đến của dự án trong thời gian tới là các huyện: Bá Thước, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Quảng Xương, Yên Định, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).

Trong năm 2017, dự án sẽ trao tặng khoảng 2.000 tủ sách cho các lớp học miền núi, nông thôn Thanh Hóa. Đến năm 2020, Dự án sẽ xây dựng 9.952 tủ sách cho 724 trường Tiểu học với tổng trị giá 24,9 tỷ đồng.

Bằng cả tấm lòng hướng về thế hệ trẻ tương lai, dự án sẽ luôn đồng hành, chung tay giúp các em khai hoang những miền tri thức. Các tủ sách sẽ góp phần khơi gợi và phát triển đam mê đọc sách, hình thành và duy trì thói quen chủ động đọc, học và tìm tòi tri thức. Từ đó, hoàn thiện nhân cách và hình thành chí hướng lập thân, lập nghiệp của các em học sinh trong tương lai.


Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo còn là nơi kết nối và thúc đẩy sự quan tâm và chung tay của gia đình, xã hội, nhà trường, những người làm chuyên môn, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các mạnh thường quân trong việc phát triển văn hóa đọc, vấn đề đọc sách, việc xây dựng, quản lý và phát triển tủ sách cho trẻ em nông thôn miền núi nói chung và và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Tủ sách Lam Sơn là dự án thiện nguyện nhằm hỗ trợ để phát triển hệ thống thư viện sách quy mô nhỏ, dạng mô hình “Tủ sách lớp học”, đến với tất cả học sinh Tiểu học và THCS trên quy mô tỉnh Thanh Hóa.

Duy Tuyên