Thanh Hóa: “Nóng” vấn đề lạm thu đầu năm học mới
(Dân trí) - Để chuẩn bị cho năm học mới, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch thời gian năm học 2017 - 2018. Đồng thời, năm học mới bắt đầu thì vấn đề lạm thu tại các đơn vị, trường học luôn là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ học sinh.
Kế hoạch năm học mới
Theo đó, đối với giáo dục Mầm non, giáo dục Tiểu học có ít nhất 35 tuần thực học; cấp THCS, THPT có ít nhất 37 tuần thực học; Giáo dục thường xuyên (GDTX - bổ túc THCS và bổ túc THPT) có ít nhất 32 tuần thực học.
Ngày tựu trường đối với giáo dục Mầm non, Giáo dục phổ thông, GDTX là ngày 22/8/2017.
Các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX có 2 tuần để chuẩn bị cho năm học mới. Ngày khai giảng của Giáo dục Mầm non, GDPT, GDTX là ngày 5/9/2017; Trung tâm học tập cộng đồng là từ ngày 1-10/10/2017.
Với các ngày nghỉ lễ, tết thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Chủ tịch UBND tỉnh. Thời gian nghỉ phép của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể đuợc bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm, đảm bảo phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của đơn vị...
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn, chỉ đạo Phòng GD-ĐT, UBND các huyện, thị, thành phố; các trường THPT, các Trung tâm GDNN - GDTX chủ động triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học 2017 - 2018.
UBND các huyện, hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã quy định nêu trên.
Lạm thu đầu năm học vẫn “nóng”
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Thanh Hóa, tình trạng lạm thu trong các trường học vẫn chưa chấm dứt, nhất là vào đầu năm học, gây bức xúc trong nhân dân. Vẫn còn có đơn thư phản ánh tại một số trường học về việc tổ chức triển khai, thực hiện các khoản thu không đúng quy định.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên theo Sở GD-ĐT Thanh Hóa là vì kinh phí Nhà nước cấp cho hoạt động nghiệp vụ thường xuyên chỉ đạt 10%/năm (những năm trước có nơi chỉ đạt 2- 5%/năm). Hàng năm các trường không được cấp kinh phí để sửa chữa thường xuyên và tăng cường cơ sở vật chất (CSVC) trường học. Ngân sách của các địa phương gặp khó khăn, do đó các nhà trường phải tự huy động xã hội hóa (XHH).
Bên cạnh đó, nhiều nơi, các trường triển khai thực hiện không đúng quy trình về huy động XHH giáo dục, thiếu công khai minh bạch; sử dụng nguồn huy động không đúng mục đích, thiếu hiệu quả, có nơi huy động vượt quá khả năng đóng góp của cha mẹ học sinh.
Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đề nghị tăng chi ngân sách Nhà nước cho các nhà trường, đáp ứng tối thiểu 10% và đến năm 2020 đạt 20% chi thường xuyên. Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về các khoản thu, chi trong trường học.
Về phía Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục quán triệt nghiêm các chỉ thị, quyết định của tỉnh cũng như Bộ GD-ĐT. Hướng dẫn các đơn vị trường học công lập thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách, trong đó có nội dung kêu gọi XHH, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, tăng cường CSVC trong điều kiện ngân sách nhà nước và khoản thu học phí chưa đáp ứng được các nhu cầu chi thường xuyên và các hoạt động.
Cụ thể, các trường thống nhất chủ trương và xây dựng kế hoạch công việc, dự trù kinh phí thực hiện triển khai trong Ban giám hiệu, Hội đồng nhà trường và các tổ chức, cá nhân nhà tài trợ.
Lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết để thực hiện. Trong đó, kế hoạch công việc phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp, cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng sản phẩm, công trình.
Báo cáo cấp quản lý trực tiếp để xin chủ trương thống nhất bằng văn bản và chỉ được tiến hành vận động sau khi có sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp.
Tổ chức triển khai, thực hiện việc huy động đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật hay ngày công lao động đến các tổ chức, cá nhân nhà tài trợ; lập danh sách ký xác nhận tự nguyện tài trợ của các tổ chức, cá nhân nhà tài trợ về kinh phí, hiện vật hay ngày công lao động.
Trong quá trình thực hiện phải có sự kiểm tra và giám sát của các tổ chức, cá nhân đã tài trợ. Sau khi hoàn thành công việc phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện.
Khoản thu phải đưa vào sổ sách kế toán và hoạch toán, thanh quyết toán theo quy định. Các tài sản được mua sắm, sửa chữa phải hoạch toán tăng tài sản và sử dụng trong nhà trường. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm quy định về các khoản thu sai quy định.
Đối với UBND các huyện, thị, thành phố bố trí ngân sách để tăng cường CSVC cho các nhà trường, chi trả tiền công bảo vệ trường; chỉ đạo các phòng chuyên đề xuất tham mưu để có kế hoạch vận động XHH, tránh tình trạng bình quân, lạm dụng để thu các khoản không đúng hoặc vượt quá khả năng của gia đình học sinh; chỉ đạo các xã, các nhà trường thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý những sai phạm trong quản lý và sử dụng các khoản thu.
Cùng với đó, các nhà trường tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh chủ trương của nhà nước, của các cấp, ngành về các khoản thu chi trong trường học. Thực hiện đúng các quy định, quy trình về vận động XHH giáo dục và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn kinh phí huy động được, thực hiện công khai minh bạch theo quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm
Sở GD-ĐT sẽ thanh tra, kiểm tra các trường THPT. Đối với các trường Mầm non, Tiểu học, THCS đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm ở các nhà trường theo phân cấp quản lý.
Duy Tuyên