Thấm thía giá trị hòa bình từ lễ tri ân
Lễ tri ân của học sinh đối với cha mẹ, thầy cô và đặc biệt với những người đã hy sinh xương máu để đất nước được thống nhất, hòa bình trong những ngày tháng 4 lịch sử thực sự ý nghĩa, giúp các em thêm yêu quý cuộc sống.
“Có nhiều đêm không ngủ và rên rỉ trong vô thức vì những mảnh đạn trong người nhưng ba chưa một lần than vãn về những bất lợi của một người thương binh trong cuộc sống đời thường. Ba vẫn ngược xuôi bươn chải, mưu sinh để nuôi 4 anh chị em chúng tôi học hành. Thế nên, tôi luôn tự hào được làm con của ba”. Lời nói xuất phát từ tấm lòng của Quách Thu Thảo, lớp 12A3 Trường THPT Nhân Việt (TP HCM), gửi đến cha mình khiến cả sân trường lặng đi vì xúc động. Cha của Thảo nở nụ cười mà mắt đỏ hoe.
Từ nỗi đau chiến tranh
Năm 1974, khi chiến tranh đi vào giai đoạn khốc liệt nhất, tại mặt trận Phước Long, trong lúc đang chiến đấu cùng đồng đội, ba của Thảo đã bị thương. Giấy chứng thương cho thấy ba em mất sức 61%. Nhưng ba còn trở về được có lẽ vẫn còn là phúc lớn với gia đình Thảo. “Trở về sau cuộc chiến, ba đã dạy tôi rằng: Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn, phải mất mát, thương đau nhưng phải cố gắng để làm sao không rơi vào tuyệt vọng, không mất nghị lực để đi qua thử thách, khó khăn. Và mẹ, mẹ chăm sóc ba tôi chu toàn. Mẹ dành cả cuộc đời để xoa dịu vết thương cho ba, những vết thương của chiến tranh. Những điều mẹ làm cao cả biết nhường nào. Từ công lao ba mẹ, dường như tôi đã nhận ra mình đã trưởng thành hơn để hiểu về giá trị của cuộc sống thanh bình mà mình đang có, để biết tri ân công lao vô bờ bến mà ba mẹ đã nuôi dạy tôi” - Thảo xúc động nói.
Lễ tri ân và trưởng thành của gần 500 học sinh khối 12 Trường THPT Nhân Việt là buổi lễ rất đặc biệt, trên sân khấu là người thương binh đã mất hẳn đôi chân với mái tóc gần bạc trắng. Ông là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, người đã 6 lần bị quân địch dùng biện pháp tra tấn dã man, từng đoạn chân của ông đã bị cắt đi qua mỗi lần bị tra đày. Nhiều em đã không kìm được nước mắt khi nghe ông kể về quãng thời gian bị quân địch bắt bớ, giam cầm, về những lần cưa chân tưởng như chết đi sống lại, những cám dỗ mà quân địch đưa ra nhằm mua chuộc ông nhưng đều bất thành. Với câu hỏi: “Điều gì đã khiến ông can đảm vượt qua và chiến thắng kẻ thù như thế?, Anh hùng Nguyễn Văn Thương trả lời ngay: “Niềm tin. Tin vào Đảng, vào đồng đội, vào gia đình. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ làm sao để sống, để bảo vệ đồng đội và về với đồng đội”. Những chia sẻ của người anh hùng thời chiến nay ngồi trên xe lăn khiến các em học sinh thấm thía hơn bao giờ hết giá trị của cuộc sống hòa bình, các em lặng đi vì xúc động.
Trân trọng hòa bình
Clip “Chiến tranh và tuổi trẻ hôm nay” do thầy và trò Trường THPT Nhân Việt chuẩn bị là những thước phim tư liệu về cuộc chiến và hình ảnh sống động của hiện tại để học sinh có cảm nhận sâu sắc trong lễ tri ân. Đó là hình ảnh về người mẹ lưng còng, tóc bạc đưa tay ngăn dòng nước mắt khi đến viếng mộ con trai và các đồng đội; hình ảnh những bạn trẻ hết lòng giúp đỡ, tri ân những gia đình thương binh, liệt sĩ; hình ảnh những người lính sau cuộc chiến trở về với gia đình vẫn bươn chải với cuộc sống còn nhiều khó khăn...
Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, chia sẻ: Cây có cội, sông có nguồn, chim có tổ, người có tông. Mỗi chúng ta có được ngày trưởng thành như hôm nay là từ sự cố gắng, tình yêu không bến bờ và những nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, từ những đêm thức thâu canh bên trang giáo án của thầy cô. “Chúng ta đang sống trong những ngày đại lễ của dân tộc. Chúng ta hưởng cuộc sống thanh bình và phát triển như bây giờ là nhờ biết bao công sức, xương máu của các anh hùng dân tộc, của những người đi trước. Trân trọng và biết ơn những cống hiến, hy sinh lớn lao ấy, chúng ta càng hiểu và yêu quý hơn cuộc sống hôm nay. Thầy tin rằng khi chúng ta nói lên được những lời tri ân ấy sẽ giúp các em hiểu hơn về những ngày đã qua, ngày mai mình muốn gì và sẽ làm gì cho cha mẹ, thầy cô và quê hương, đất nước” - thầy Hiếu gửi gắm.
Giờ chào cờ đặc biệt Tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần vừa qua của Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM) là tiết chào cờ đặc biệt khi học sinh của trường được nhắc nhở về sự kiện lịch sử 30-4. Dưới cờ, những bài học về lịch sử được chuyển tải trang nghiêm nhưng cũng không kém phần sôi nổi. Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, cho biết ở trường, mỗi lớp sẽ luân phiên phụ trách tiết chào cờ hằng tuần. Ở tiết chào cờ đó, tùy từng thời điểm, từng sự kiện mà các lớp sẽ lên ý tưởng, xây dựng kịch bản và đạo diễn chương trình của mình. Chủ đề của tuần sinh hoạt thứ 33 là làm sao để chuyển tải sự kiện quan trọng ngày 30-4. Với chủ đề đó, học sinh lớp 8/1 đã lên kịch bản hết sức chu đáo, kỹ lưỡng. Nhiều bài hát ca ngợi quê hương, đất nước được các em nhắc đến và trình bày như Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Tiểu đoàn 307, Tổ quốc gọi tên mình... Được sự tư vấn của giáo viên lịch sử, ý nghĩa sự kiện 30-4 được tái hiện bằng bài cảm nhận xúc động của học trò. “Chứng kiến các em tự ý thức tìm hiểu lịch sử, chúng tôi rất cảm động và tự hào. Điều này chứng tỏ các em đã có ý thức, trách nhiệm và biết ơn công lao của cha ông. Và chính từ sự tìm hiểu, tưởng nhớ ấy mới gầy dựng nên lòng biết ơn chân thành, sâu sắc” - thầy Phát nói. |
Theo Đặng Trinh
Người Lao Động