Thăm thầy giáo cũ Trường học sinh Nam Hải Phòng
(Dân trí) - 60 năm trước, hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã ra đời. Các thầy cô đã dành tâm huyết để dạy dỗ các em học sinh miền Nam trở thành những công dân tốt, có trình độ văn hóa cao phục vụ đất nước.
Bài viết ngắn này chỉ xin nhắc đến ba trong hàng ngàn thầy cô giáo đáng kính hồi ấy. Đó là các thầy giáo Lê Ngọc Lập, Đoàn Xoa và Lê Phú Lộc mà tôi được biết.
Ngày 14/12/2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội đã có cuộc gặp mặt của đại diện cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc và thầy Lê Ngọc Lập đã thay mặt các thầy giáo phát biểu ý kiến.
Năm năm trước cũng tại địa điểm này, cựu học sinh miền Nam đã có một cuộc gặp mặt đầm ấm tình nghĩa thầy trò. Dịp đó, chúng tôi đã được gặp thầy Lê Ngọc Lập, nguyên giáo viên trường học sinh miền Nam số 8 ở Hải Phòng. Cô học trò trường học sinh miền Nam số 8 Nguyễn Thị Ngọc Sương cùng một số bạn khác đã quây quần xung quanh thầy Lê Ngọc Lập, bày tỏ những tình cảm biết ơn chân thành. Thầy Lê Ngọc Lập từng ở khu học xá Trung ương ở Nam Ninh, Trung Quốc. Năm 1956, thầy về dạy các trường học sinh miền Nam. Thầy đã giành toàn bộ thời tuổi trẻ của mình từ năm 22 tuổi đến năm 42 tuổi để dạy các học sinh người miền Nam. Năm 1975, trở về Thanh Hóa, thầy làm Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Trường Sư phạm 12+2 Thanh Hóa. Sau khi nghỉ hưu, thầy Lê Ngọc Lập làm Phó hiệu trưởng và bí thư chi bộ Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt ở Thanh Hóa, hiện nay vẫn tham gia quản lý. Chị đã về Thanh Hóa thăm thầy nhiều lần. Ngày 15 tháng 12 vừa qua, chúng tôi vui mừng được đón thầy Lê Ngọc Lâp đến thăm.
Ngày 1/12/2014 khi đến Đà Nẵng, chúng tôi có dịp đến thăm Nhà giáo Nhân dân Lê Phú Lộc và nhà văn Đoàn Xoa.
Năm 1957, Nguyễn Thị Ngọc Sương học lớp 5 trường học sinh miền Nam số 4 ở Hải Phòng (lớp 5 hồi đó tương đương lớp 6 trung học cơ sở bây giờ). Chị Sương cho biết: Thầy Đoàn Xoa vừa ra trường được cử về dạy môn Văn cho học sinh lớp 5. Thầy dạy rất nhiệt tình, lo lắng làm cho cho các em tiếp thu bài tốt, làm bài tốt. Thầy còn quan tâm đến sinh hoạt của học trò. Sau này, thầy đã vào chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng và trở thành nhà văn trong cuộc kháng chiến ác liệt và gian khổ
Nhà văn Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2013 cho biết:
“Năm 1967, Phân hội Văn nghệ Quảng - Đà thành lập do nhà văn Đoàn Xoa làm Phân hội trưởng. Trong hồi ký của mình, nhà văn Đoàn Xoa ghi lại khá chi tiết về việc thành lập Hội văn nghệ Quảng Đà, theo đó, Đại hội thành lập Hội văn nghệ Quảng Đà được tổ chức tại một khu rừng thuộc vùng núi Đại Lộc bên này bờ sông Vu Gia, từ chợ Phú Thuận đi lên khoảng hơn một buổi đường… Sau khi phân hội văn nghệ được thành lập, Tạp chí văn nghệ Quảng Đà được xuất bản. Nhiều bài thơ của Vũ Minh, Hoài Hà, Cao Phương, Chí Cao…, nhiều ký, truyện ngắn của Trần Văn Anh, Nguyễn Đình An, Đoàn Xoa, Hồ Hải Học, Tân Nhân, Tuấn Phương… cùng rất nhiều thơ ca, hò vè của quần chúng đã đi vào lòng người, cổ vũ nhân dân trong cuộc kháng chiến”. (trích từ Đà Nẵng điện tử)
Nhà văn Đoàn Xoa là tác giả nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng. Khi phụ trách chương trình văn học Đài tiếng nói Việt Nam, tôi đã dành 4 chương trình trích đọc tiểu thuyết “Huyền thoại Suối Hoa” của nhà văn Đoàn Xoa trong chương trình đọc truyện đêm khuya.
Với tấm lòng biết ơn sâu sắc thầy Đoàn Xoa, vợ chồng chúng tôi đến thăm thầy nhiều lần. Hiện thầy đã tám mươi tuổi, sức khỏe giảm sút, thầy cho biết một cuốn sách của thầy hiện đang in, sắp được phát hành.
Chúng tôi hiểu tấm lòng nhà giáo, nhà văn Đoàn Xoa từ lúc mới ra trường đi dạy học cho đến tuổi tám mươi vẫn luôn quan tâm đến việc giáo dục và chăm lo cho con người.
Chúng tôi nhiều lần đến thăm thầy Lê Phú Lộc ở 161 Lê Lợi, Đà Nẵng. Năm 2008, thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Thầy Lê Phú Lộc, nguyên Ty trưởng giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng đã có mười năm dạy học và 24 năm quản lý giáo dục. Năm nay thầy hơn 90 tuổi.
Ngồi bên thầy, người học trò Nguyễn Thị Ngọc Sương thưa với thầy:
“Niên khóa 1960 - 1961, em học lớp 8 (nay là lớp 10) ở trường học sinh miền Nam số 8 ở Hải Phòng và thầy là Hiệu trưởng. Em luôn nhớ ơn thầy lo cho chúng em. Cuối năm lớp 8, Lê Thị Sanh và em được thầy gọi lên phòng thầy hiệu trưởng và cho chúng em biết: Thầy đã đề nghị cho chúng em hè 1961 sẽ vào học trường Bổ túc Công nông Trung ương. Năm đó, khu giáo dục miền Nam có chủ trương cho một số học sinh miền Nam về ở với gia đình. Em vô cùng biết ơn thầy cho em vào học bổ túc công nông trung ương. Nếu không được sự quan tâm chu đáo của thầy thì em sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và khó được học lên. Lê Thị Sanh sau đó vào học Đại học Sư phạm Hà Nội”.
Chính nhờ sự giúp đỡ vô tư của thầy Hiệu trưởng Lê Phú Lộc mà chị Nguyễn Thị Ngọc Sương đã học xong lớp 10 trường Bổ túc công nông Trung ương, được tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch Hà Nội (sau này là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), về công tác ở Bộ Tài chính, được đi nghiên cứu sinh ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, đậu Phó Tiến sĩ kinh tế, về lại Bộ Tài chính, được cử làm Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng rồi được cử sang làm Phó Tổng giám đốc, Ủy viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nay là Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Cô học sinh miền Nam ngày nào ở Hải Phòng luôn nhớ ơn sự dạy dỗ quan tâm của các thầy, cô giáo ở trường số 4, trường 13, trường 8 và hình ảnh các thầy Lê Phú Lộc, Lê Ngọc Lập, Đoàn Xoa, cô giáo Ngọc Anh dạy toán (vợ của Giáo sư Hoàng Tụy)… là những hình ảnh đẹp nhất, đáng trân trọng nhất trong suốt cuộc đời của mình.