Hậu Giang:

Thăm sóc đồng bào Khmer hiếu học

(Dân trí) - Con đường bê tông dẫn vào sóc của đồng bào Khmer (ấp 10, xã Lương Nghĩa, Long Mỹ, Hậu Giang) với nhiều căn nhà lá cũ kỹ, nhưng nơi đây lại có nhiều gia đình hiếu học nhất tỉnh với những thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ giờ có việc làm ổn định.

Ấp 10 có đến 70% là hộ đồng bào dân tộc Khmer, đa số còn nghèo khó nhưng điều đáng quý là rất nhiều gia đình quan niệm cho con cái chữ chứ không cho tài sản, ruộng vườn nên cố gắng làm việc lo cho con ăn học tới nơi tới chốn. Theo thống kê sơ bộ hiện toàn ấp có 6 thạc sĩ, 73 cử nhân, kỹ sư đã tốt nghiệp đại học và 28 em đang theo học đại học. Ngoài ra còn hàng trăm em đang theo học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Số trẻ em trong độ tuổi đến trường hằng năm huy động luôn đạt rất cao.

Cả 2 đứa con ông Khem đều học hành thành tài, có việc làm ổn định.
Cả 2 đứa con ông Khem đều học hành thành tài, có việc làm ổn định.

Gia đình ông Lâm Khem nổi tiếng nhất ở sóc Khmer này khi có đến 4 người con học đại học, cao đẳng. Bản thân ông Lâm Khem là Bí thư chi bộ ấp, nhiều năm liền là trưởng ấp và có công rất lớn trong việc vận động con em đồng bào dân tộc Khmer ra lớp rồi sau đó học đại học. Ông Khem cho biết: “Phong trào cho con đi học từ rất lâu nhưng mãi đến năm 2000 khi đứa con gái của tôi đậu đại học và từ đó tới nay có hàng trăm con em ở sóc này noi theo đi học đại học dù nhiều gia đình còn nghèo khó. Bây giờ vào sóc hiếu học này chỉ cần hỏi bất kỳ 3 nhà là có 1 nhà có con em đi học đại học, cao đẳng còn con em học phổ thông thì chiếm đại đa số”.

Để nuôi 4 đứa con đi học, gia đình ông Khem phải làm lụng rất vất vả suốt nhiều năm liền. Giờ đứa con lớn của ông tên Lâm Kim Loan học Đại học Y Dược Cần Thơ ra trường đang làm tại Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang; đứa con kế tên Lâm Kim Liễu học trung cấp dược rồi về trạm y tế xã Lương Nghĩa làm việc; đứa con trai tên Lâm Hiền học ngành Thú y hiện đang làm việc tại tỉnh Lâm Đồng và đứa con út tên Lâm Toàn học ngành Bưu chính Viễn thông mới ra trường đang xin việc làm.

Con đường nhỏ dẫn vào sóc của đồng bào Khmer.
Con đường nhỏ dẫn vào sóc của đồng bào Khmer.

Trong căn nhà lá khá cũ của vợ chồng ông Danh Hiền (SN 1968) và bà Thị Vân (SN 1973) không có gì quý giá ngoài mấy chục tấm giấy khen dán bên vách. Đây là gia đình nghèo nhưng có đến 3 đứa con đang theo học phổ thông và đang phấn đấu để vào đại học. Bà Vân cho biết: “Gia đình tôi không có ruộng đất, chồng phải đi làm thuê còn tôi thì gói bánh lá dừa bán trong xóm để nuôi con ăn học. Năm rồi đứa con gái lớn sau khi học phổ thông thi Đại học Cần Thơ chọn ngành sư phạm toán nhưng có 16,5 điểm, không đủ điểm đậu nên năm nay vừa về nhà phụ giúp gia đình vừa tự ôn luyện tại nhà để năm sau thi tiếp”. Ngoài ra, cháu Thị Ngọc Sang đang học lớp 10 và Danh Như Ý đang học lớp 6 cũng là học sinh khá giỏi đang phấn đấu để vào đại học. Bà Vân cho biết: “Dù nghèo khó thế nào cũng ráng lo cho con ăn học tới nơi tới chốn vì gia đình không đất đai nên chẳng có gì để lại cho con”.

Gia đình bà Vân cuộc sống khá khó khăn nhưng ráng làm lụng lo cho 3 con học hành.
Gia đình bà Vân cuộc sống khá khó khăn nhưng ráng làm lụng lo cho 3 con học hành.

Trên con đường đất nhấp nhô dẫn vào ấp 10, đời sống kinh tế của người dân còn khá khó khăn với nghề trồng lúa, nuôi bò hay gia cầm. Tuy nhiên, chỉ cần hỏi bất kỳ một vài nhà là có ngay gia đình có con đang học đại học, cao đẳng. Chẳng hạn như gia đình ông Danh Thể có 1 con gái học ngành sư phạm tỉnh Hậu Giang, gia đình ông Danh Quận có nhiều người con học đại học, cao đẳng… điều đáng quý là nhiều con em ở sóc Khmer hiều học này sau khi tốt nghiệp ra trường về phục vụ quê hương, đồng bào của mình. Trong đó nhiều người hiện giữ chức vụ quan trọng trong UBND xã, trạm y tế hay làm giáo viên dạy học ở các trường trên địa bàn.

Theo ông Khem, toàn ấp có 526 hộ trước đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 70% giờ 180 hộ chiếm chỉ hơn 20%. Kinh tế đã khá hơn nhiều một phần do các em học hành ra trường có việc làm ổn định trở về giúp gia đình. Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều gia đình nghèo vẫn quyết tâm lo cho con học đại học để mong sau này đỡ vất vả. Các hộ nghèo cho con đi học được địa phương hỗ trợ tối đa về vay vốn ở ngân hàng chính sách và các chế độ khác nên hiện nay người dân rất mạnh dạn cho con đi học.

Nhà nghèo nhưng cháu Danh Như Ý rất cố gắng học hành.
Nhà nghèo nhưng cháu Danh Như Ý rất cố gắng học hành.

Đi dọc các con đường trong sóc này sẽ bắt gặp cảnh những em nhỏ bi bô học đánh vần hay cặm cụi giải bài toán ngay trước hiên nhà. Rất nhiều gia đình nhà cửa lụp xụp nhưng đều ráng lo cho con cái ăn học. Không ai bảo ai nhưng hễ nhà này có con học đại học thì nhà hàng xóm cũng ráng noi theo nuôi con ăn học nên người. Chính vì vậy mà trong sóc ngày càng có nhiều ông cử, bà cử xuất thân từ mảnh đất nghèo khó này.

Minh Giang
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm