Thăm ngôi trường đặc biệt nơi "thâm sơn cùng cốc"
(Dân trí) - Xứ Thanh, nơi được biết đến là địa phương ở miền Trung với thời tiết khắc nghiệt, nhưng có một nơi được mệnh danh là "Đà Lạt của xứ Thanh". Nơi đây, có một ngôi trường cũng rất đặc biệt với 100% là giáo viên nam.
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến với vùng đất Cao Sơn, là tên gọi chung của ba bản Son - Bá - Mười, thuộc xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa). Nơi đây, quanh năm thời tiết mát mẻ, nhất là vào mùa hè. Những ngày cuối đông, thời tiết nơi đây luôn ở dưới mức 100C.
Ghé vào trường phổ thông Cao Sơn, ở bản Mười, một ngôi trường khá khang trang, nằm trên sườn đồi xung quanh hoa đào đua nở. Từ xa đã nghe tiếng thầy và trò vang lên trong những lớp học.
Tiếp chuyện chúng tôi, thầy Trịnh Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường vồn vã, bởi với các thầy, lâu lâu mới có khách từ dưới xuôi lên đơn vị. Thầy Dũng vốn quê ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) lên đây công tác cũng thuộc vào lớp những người có thâm niên gắn bó với những bản làng vùng cao Bá Thước.
Qua chia sẻ với thầy Dũng được biết, Trường phổ thông Cao Sơn hiện có 88 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, chủ yếu là con em ở ba bản Son - Bá - Mười, với 100% là con em đồng bào dân tộc Thái.
Rót trà mời khách, rồi thầy Dũng từ từ chia sẻ về những thuận lợi cũng như khó khăn mà đơn vị đang trải qua. Điều đặc biệt nhất ở ngôi trường này là có 17 giáo viên, đặc biệt là toàn nam giới. Những ngày đầu, chủ yếu là giáo viên ở xuôi lên công tác, nhưng giờ đây, cấp 1 hoàn toàn là người địa phương và các xã lân cận.
Trường được thành lập từ năm 2008 và cùng chừng ấy năm, thầy Dũng gắn bó với mảnh đất này, gắn bó với các em học sinh và bà con dân bản nơi đây. Thầy như thuộc từng con đường, từng nóc nhà và tâm tư nguyện vọng của bà con dân bản.
Nói về thuận lợi, qua những gì thầy Dũng giới thiệu cũng rất khiêm tốn. Thầy Dũng nhấn mạnh: “Với đơn vị chúng tôi, thuận lợi lớn nhất đó là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền. Cạnh đó là sự định hướng, tìm hiệu cụ thể của ngành giáo dục về điều kiện địa phương, từ đó quyết định đưa toàn giáo viên nam để phù hợp với điều kiện địa phương”.
Thầy Dũng lý giải thêm về việc nhà trường chỉ toàn giáo viên nam, đó là trên cơ sở thời tiết, sự tìm hiểu cụ thể thực tế địa phương của Phòng Giáo dục để điều chuyển. Bên cạnh đó là sự quan tâm của bà con dân bản đến thầy và trò nhà trường. Đặc biệt là Bí thư, Trưởng bản luôn quan tâm từ rào dậu, việc học hành đều có dấu ấn của Bí thư, Trưởng bản.
Thuận lợi chỉ có bấy nhiêu, nhưng khó khăn với thầy và trò Trường phổ thông Cao Sơn quả là không ít. Đầu tiên phải kể đến điều kiện khí hậu, đường xá đi lại và điều kiện kinh tế của địa phương còn rất nghèo.
Vào những ngày mùa đông giá lạnh, nhà trường không áp đặt thời gian giờ vào học được mà phải tùy thuộc vào thời tiết. Nhiệt độ trung bình vào mùa đông thường dưới 100C, có những ngày thấp nhất 1 - 20C.
Mặc dù là một ngôi trường có cả hai cấp học, nhưng số lượng học sinh ít, việc hoạt động ngoại khóa không đạt được hiệu quả cao như mong muốn. Đặc biệt là không khí tổ chức các hoạt động dù sao cũng hạn chế, mặc dù phụ huynh của các em học sinh rất quan tâm đến các hoạt động của con em, nhưng do số lượng ít nên nhà trường không tổ chức quy mô được nên sức lan tỏa từ đó mà không cao.
Không vì những khó khăn mà thầy và trò nơi đây chịu khuất phục. Để khắc phục những khó khăn, nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp. Đó là nắm chắc, vận dụng linh hoạt các văn bản, hướng dẫn vào điều kiện thực tế, từ thời gian học đến tâm lý học sinh, cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con dân bản.
Về công tác chuyên môn, ngoài việc đầu tư các tiết học trên lớn, nhà trường thành lập các nhóm kiểm tra việc học tập của học sinh ở trường cũng như ở nhà, quan tâm góc học tập của học sinh. Ngay từ những ngày đầu năm học, nhà trường thông tin đến các phụ huynh về việc sẽ quan tâm đến việc học, kiểm tra cụ thể nên từ đó, phụ huynh sẽ lưu tâm chuẩn bị góc học tập cho con em mình.
Bên cạnh đó, việc giảng dạy luôn gắn liền với thực tế, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vấn đề này, nhà trường liên hệ với khâu kỹ thuật làm vườn ở khu trồng rau sạch của bà con trong các bản, thành lập các nhóm học tập, gắn với công việc trong hội phụ huynh.
Đầu năm, nhà trường còn đưa ra một số ý kiến để hội phụ huynh tham khảo, trao đổi với nhau những công việc cụ thể. Qua những việc làm giữa nhà trường và hội phụ huynh để học sinh thấy được tình yêu giữa nhà mình và nhà bạn. Từ đó tạo ra sự gắn kết giữa các em học sinh và giữa các gia đình trong bản.
Công tác khuyến học, khuyến tài mặc dù chưa phát triển như các trường miền xuôi. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm, động viên của bà con dân bản cũng như các cấp chính quyền địa phương, nhà trường vận dụng tối đa quỹ khuyến học, vận động các cá nhân, đơn vị dành các suất học bổng, tài trợ cho học sinh để động viên các em trong học tập.
Trường có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái, nên những ngày đầu, khó khăn của thầy và trò đó là sự bất đồng ngôn ngữ. Nhưng nhờ vào sự quan tâm của bà con, cũng như sự vận dụng những kinh nghiệm trong công tác giảng dạy nên các em học sinh cũng dần bắt nhịp và hòa đồng với nhau.
Thầy Dũng cũng khiêm tốn khi không giới thiệu về thành tích của nhà trường, thầy chỉ điểm qua những em học sinh từ mái trường này đã tiếp bước trên con đường học tập. Đến nay, trường đã có 1 học sinh học Cao đẳng, 5 em học Trung cấp. Với một ngôi trường nơi vùng “thâm sơn cùng cốc” này có được những thành tích trên là cả một sự cố gắng của thầy và trò nhà trường.
Việc phân luồng học sinh nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện kinh tế gia đình của các em còn nhiều vất vả. Gia đình đầu tư cho con em theo học đến lớp 9 cũng là cả một sự cố gắng lớn.
Là ngôi trường nằm ở vùng cao, điện lưới chưa đến được với bà con nơi đây, nên với nhà trường, việc sử dụng giáo án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin là điều chưa thể.
Chia sẻ với Dân trí, thầy giáo Đỗ Công Tùng cho biết, thầy đảm nhận công tác giảng dạy các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Thầy Tùng quê ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) lên đây công tác cũng đã nhiều năm nay.
“Bản thân mình là giáo viên nam nên cũng có chỗ khô cứng, bởi vì trong một lớp học nói riêng, cũng như cả trường thì có cả học sinh nữ, có những cái tâm tư, tình cảm của học sinh nữ mình không thể giải đáp cho các em bằng giáo viên nữ được”, thầy Tùng chia sẻ.
Hầu hết các thầy giáo nơi đây ai cũng đã có gia đình, hơn nữa tuổi đời còn đang trẻ nên lòng nhiệt tình có thừa. Bên cạnh đó, các thầy luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau cả trong giảng dạy và trong cuộc sống, tạo niềm tin cho học sinh và bà con dân bản.
Sau bữa cơm trưa đảm bạc cùng các thầy giáo, chúng tôi chia tay các thầy của Trường phổ thông Cao Sơn, nhìn những cánh hoa đào đang đua nhau bung nở giữa trời Cao Sơn căng tràn sức sống như thể hiện niềm tin của các thầy giáo nơi đây về một sự đổi thay cho vùng đất đầy khó khăn này.
Duy Tuyên