Thảm đỏ chờ đón

Họ là những điển hình tiêu biểu của tuổi trẻ học giỏi, chí lớn. Cánh cửa vào đời đang rộng mở chờ đón những tài năng ấy.

“Thủ khoa giăng câu” 

Giữa buổi trưa nắng gắt, Võ Thành Luân, sinh viên năm nhất Khoa Công nghệ Thông tin - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), rời lớp học, đạp xe len lỏi giữa dòng người đông nghẹt để trở về nhà trọ cách đó hơn 7 km. Sau gần nửa năm rời quê nhà (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười - Đồng Tháp) lên thành phố trọ học, chàng học sinh xuất sắc của miền sông nước đang dần thích nghi với nhịp sống đô thị tất bật, hối hả.

Ba má quanh năm đầu tắt mặt tối với việc đồng áng nên Luân tự lo chuyện học hành, đồng thời tranh thủ thời gian rảnh bủa lưới, giăng câu kiếm con tôm, con cá đem bán để có thêm chút tiền cho cả nhà. Nhà Luân nghèo, đến mức hồi làm hồ sơ thi đại học, do không đủ tiền để nộp lệ phí 2 bộ hồ sơ nên Luân chỉ đăng ký duy nhất vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Vậy mà 3 năm THPT, Luân luôn là học sinh giỏi. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010-2011, cậu học trò nghèo này đã làm rạng danh Trường THPT Trường Xuân với thành tích đáng nể: thủ khoa THPT toàn tỉnh Đồng Tháp với 57,5 điểm (toán, lý, sinh, sử: 10; địa: 9 và văn 8,5). Biệt danh “thủ khoa giăng câu” gắn với Võ Thành Luân từ đó, được cả nước biết tiếng, ngợi khen.

Dù vậy, Luân cũng chẳng dám mơ cao vì sợ không có tiền ăn học. Thế rồi lời động viên của một nhà lãnh đạo đã làm thay đổi suy nghĩ của em. Đó là vào tháng 7/2011, nhân chuyến về dự hội nghị giáo dục tại tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị gặp “thủ khoa giăng câu” Võ Thành Luân. Tại hội nghị, Thủ tướng đã bắt tay Luân, động viên em cố gắng học giỏi để sau này thành tài. Thủ tướng kể rằng thuở nhỏ ông cũng đi giăng câu! Câu nói đó của Thủ tướng đã khích lệ em thêm vững tin, Luân chia sẻ.

Thảm đỏ chờ đón  - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng động viên, khen ngợi Võ Thành Luân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông Võ Văn Mười, ba của Luân, kể: “Từ lúc Luân lên thành phố đến nay, vợ chồng tui cũng chưa biết chỗ nó ở ra sao, cứ 2 lần mỗi tháng gửi gạo và rau củ lên rồi chỉ biết động viên nó học giỏi thôi”. Còn Luân, ở thành phố mà cứ thấy nhớ “hơi” đồng ruộng. Những lúc như thế, “thủ khoa giăng câu” lại lao vào học. Chỉ có học và học thật giỏi mới có thể thoát nghèo, vươn lên!

Tôi hỏi Luân mơ ước điều gì trong mùa Xuân đầu tiên của đời sinh viên, em bộc bạch ngoài ngành công nghệ thông tin, sắp tới, em sẽ thi tuyển vào Trường Đại học Y Dược TPHCM.

Với phẩm chất và trí tuệ của một thủ khoa, Võ Thành Luân đã có sẵn một đường băng để cất cánh bay cao, bay xa hơn nữa vào bầu trời tương lai.

Rạng danh ở xứ sương mù

Tổ ấm của Hồ Ngọc Phương Uyên là căn nhà trọ hơn 10 m2 trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh - TPHCM). Bà Đào Ngọc Dung (mẹ của Uyên) cho biết gia đình chẳng dư dả gì, bà làm thợ may, còn ba Uyên lái xe thuê. Bù lại, Uyên học rất giỏi. Đó là niềm vui, niềm hy vọng lớn của cả nhà.

Năm 2009, khi đang học lớp 11 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Uyên được Trường Trung học Cobham Hall (Anh Quốc) cấp học bổng nhờ thành tích học tập xuất sắc. Lúc ấy, cả gia đình Uyên lo ngay ngáy vì không có tiền làm hồ sơ, mua vé máy bay, thậm chí là vài chiếc áo ấm cho em sang Anh du học. Nhờ một mạnh thường quân đài thọ, Uyên có điều kiện bắt đầu hành trình chinh phục sự học nơi xứ sở sương mù.

Quả không phụ lòng ba mẹ và sự kỳ vọng của người thân, Hồ Ngọc Phương Uyên liên tục đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập, như: giải bạc Toán quốc tế toàn Vương quốc Anh, giải ba cuộc thi “Tôi sẽ làm gì nếu là thủ tướng Anh”, tốt nghiệp tú tài quốc tế đạt loại ưu IB 40/45, được vinh danh trên trang nhất của tờ The Reporter nổi tiếng... Quan trọng hơn cả là Uyên vinh dự được 3 trường đại học gồm Reading (Berkshire, Anh), S.P Jain Center of Management (Úc), Kỹ thuật Hồng Kông (Poly University) cấp học bổng. Uyên chọn Đại học Reading để đi lại, học hành được thuận lợi hơn.

Môi trường ở Đại học Reading đòi hỏi Uyên phải tự lo liệu mọi chuyện như đăng ký ở ký túc xá, hộ khẩu, khám sức khỏe và nấu ăn hằng ngày. Uyên khoe: “Lúc mới nhập học, tôi phải đi bộ 30 phút đến trường nhưng bây giờ đã sắm cho mình một chiếc xe đạp cũ làm bạn đồng hành”.

Bí quyết học giỏi của Uyên là phải thật chăm chỉ, phương pháp học tập phù hợp và đặt mục tiêu rõ ràng. Nhiều khi phải học miệt mài đến 2 giờ sáng, lan sang những ngày thứ bảy và chủ nhật và kết quả là số điểm tuyệt đối trong mỗi kỳ thi khiến Uyên quên đi mọi nhọc nhằn. Bên cạnh việc học, hiện Uyên đang dạy kèm cho một số học sinh trung học và đăng ký hướng dẫn phụ huynh tham quan trường.

Thảm đỏ chờ đón  - 2
Hồ Ngọc Phương Uyên (giữa) và những bạn học ở Anh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong phòng của mình tại ký túc xá, Uyên treo bộ áo dài, khăn đóng (món quà mẹ tặng) ở một góc riêng. Mỗi dịp nhà trường tổ chức lễ hội, bạn bè các nước lại trầm trồ khi thấy Uyên duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống, đồng thời biết cách giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam rất lý thú, sinh động. Những ngày cận Tết cổ truyền Việt Nam, lòng cô lại nôn nao nỗi nhớ nhà. “Nhưng mỗi chuyến đi - về rất tốn kém nên đành ăn Tết xa xứ để tiết kiệm tiền, trang trải cho việc học” - Uyên cho biết.

Bước sang tuổi 20, Hồ Ngọc Phương Uyên tràn đầy mơ ước và dự tính, trước hết là nỗ lực đạt kết quả tốt nghiệp đại học loại ưu - cơ sở được cấp học bổng thạc sĩ kinh tế tại Anh. Uyên tâm sự: “Đã 2 lần nhận học bổng toàn phần tại Anh, tôi muốn một lần nữa khẳng định bản thân mình bằng kết quả học tập tốt nhất, hoàn thành ước mơ trở thành chuyên gia kinh tế về đầu tư tài chính và ngân hàng. Tôi sẽ về nước làm việc để đỡ đần ba mẹ và tri ân những người đã giúp đỡ mình”.

Mơ ước ấy của Hồ Ngọc Phương Uyên sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa. Chắc rằng sẽ có nhiều thảm đỏ được trải rộng đón em về!

Theo Thảo Nguyên - An Nhiên
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm