Thạc sĩ Mỹ - Úc về Việt Nam làm hương, làm mắm
Bây giờ, việc tìm thấy những người trẻ tuổi với tấm bằng ngoại “xịn” đang lăn lộn ngoài đồng ruộng hay trong các làng, xã, chứ không phải nơi công sở choáng lộn, dù không quá dễ dàng, nhưng cũng không còn quá khó khăn.
Khởi nghiệp với mắm, với hương
Được báo chí nhắc tới nhiều trong thời gian qua là Trần Phương Anh, sinh năm 1981 tại Thái Bình, từng tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, sau đó nhận học bổng cao học ở ngôi trường danh tiếng - ĐH Yale (Hoa Kỳ).
Ra trường, kiếm được việc làm ở Thung lũng Silicon nhưng anh lại về Việt Nam và chọn nén hương để khởi nghiệp, bắt nguồn từ suy nghĩ gia đình người Việt nào cũng sử dụng hương. Chỉ sau 3 năm thành lập, công ty sản xuất hương của Phương Anh đã phát triển bền vững. Năm 2010, tổng thu nhập là 15 tỷ đồng, năm 2013 khoảng hơn 20 tỷ đồng với 150 nhân viên. Phương Anh nói dù khó khăn đến đâu cũng quyết tâm duy trì con đường này, nếu cần sẽ đi làm trở lại để lấy tiền “nuôi hương”.
Phương Anh tại xưởng làm hương. (Ảnh: Khoa học & Đời sống)
Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ ở Úc, được nhận học bổng tiến sĩ, nhưng Đào Thị Hằng (sinh năm 1985) từ chối cơ hội này. Năm 2013 chị về quê Quảng Trị để làm nước mắm. Hằng chia sẻ rằng danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người dân với chị còn quan trọng hơn. Tham vọng của Hằng là đưa nước mắm Việt Nam ra thế giới, với thương hiệu nước mắm Thuyền Nan.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Trịnh Quốc Toản (SN 1985) trở thành thực tập sinh tại Ramat Negev (Israel) và lấy bằng thạc sĩ nông nghiệp năm 2014. Dù có nhiều cơ hội để làm việc với các công ty trong và ngoài nước, nhưng anh Toản quyết định trở về quê lập nghiệp tại xã Yên Phong (Yên Định, Thanh Hoá), với sự ra đời của Công ty TNHH nông nghiệp VietGAP. Mô hình làm nông nghiệp sản xuất hàng hóa của anh Toản đang cho doanh thu 1,2 tỷ đồng/ năm.
Người nông dân “nhiều đất nhất miền Tây” – ông Út Huy – có hai con trai, con lớn là Võ Quang Thuận (sinh năm 1982), được ông hướng nghiệp và đã tốt nghiệp kỹ sư nông học ở Trường ĐH Nông lâm, sau đó về quê giúp ông phụ trách kỹ thuật. Con thứ là Võ Xuân Hoà (sinh năm 1984), tốt nghiệp ngành tài chính ở ĐH Aucklan (New Zealand), sau đó cũng về quê giúp ông kinh doanh. Ngay cả cô con dâu út là người Thái Lan, tốt nghiệp thạc sĩ ở New Zealand, cũng theo chồng về làm dâu đất phèn…
“Họ về, suy cho cùng, là vì tự ái dân tộc”
Đây là nhận định của GS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học gắn bó với nông nghiệp Việt Nam.
“Thanh niên được đi nước ngoài sẽ thấy Việt Nam thua xa quá, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không có mặt nhiều ở những nơi họ đến” – ông Xuân nhận định về sự “sốt ruột” của những thanh niên, những người đã từng là học trò của mình, khi quyết định trở về với quê hương.
Chị Hằng chuẩn bị cà làm mắm cùng mẹ. (Ảnh: Báo Quảng Trị)
Ví dụ về trường hợp người quen, ông Xuân kể về một thanh niên trẻ tốt nghiệp đại học ở Anh, ngành tài chính ngân hàng, nhưng quyết định về nước làm việc cho ba là một nông dân trồng mía ở Tây Ninh. “Lý do anh bạn này đưa ra để trở về là ba anh ta đang trồng mía với giá thành cao quá. Trước mắt, khi ASEAN trở thành cộng đồng chung sẽ tạo điều kiện cho Thái Lan đưa đường vào Việt Nam, “diệt” đường của Việt Nam vì giá cả của họ chỉ khoảng 30 USD/ tấn trong khi của Việt Nam là 50 USD/ tấn. Anh bạn này dùng những kiến thức về quản lý, tính toán lượng phân bón, lượng nước tưới, đi tìm nhà kỹ thuật, nghiên cứu phương pháp làm việc… để tăng năng suất cây mía lên cao nhất, hạ giá thành sản phẩm”.
Ông Xuân cũng tiết lộ một số bạn trẻ đi học ở Mỹ về đang hình thành nhóm tổ chức sản xuất trái cây để xuất đi nước ngoài. Hay một học trò từng đi học ở Nhật về đang nghiên cứu các sản phẩm từ cây chuối, một người trẻ ở Nghệ An đang nuôi tham vọng đưa quả xoài Việt Nam sang Dubai…
“Tham gia giảng dạy, tôi có nói rằng khi mấy anh ra trường phải cố gắng tạo công ăn việc làm cho xã hội, thay vì đi xin việc.
Mà cách tạo ra việc dễ nhất là từ nông nghiệp. Từ phát triển nông nghiệp mới tạo ra được vốn để công nghiệp hoá.
Các bạn trẻ đó, với tri thức học được, căn cứ trên tài nguyên nông nghiệp để tổ chức sản xuất ra cái gì giống với, phù hợp với, những thứ đã học ở nước ngoài.
Có những thanh niên đi du học về chịu bó tay vì không có điều kiện, máy móc làm việc. Nhưng người học những ngành nghề thực tế, đặc biệt đối với nông nghiệp, sẽ dễ dàng hơn, tránh được tình trạng khi trở về không làm gì hết, vì chính bản thân họ có thể tạo ra cơ sở để làm, sản xuất hàng hoá”.
Quan trọng là cán bộ không sợ người hơn mình
Cho rằng sự trở về với nông nghiệp, nông thôn của thanh niên “Tây học” là một biểu hiện rất tốt, GS Võ Tòng Xuân đồng thời mong muốn từ phía nhà nước, địa phương cũng phải thấy được mầm mống của những nhà kinh doanh nông nghiệp như thế, để kịp thời có biện pháp, chính sách ươm mầm, phát triển cứ “đừng để người ta tự bơi”.
“Vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Nếu cứ mặc nhiên làm ngơ, có nguồn tốt được đào tạo về nhưng lại không tôn trọng, lại sợ họ hơn mình, thì sẽ không phát triển được” – ông Xuân khẳng định.
Để có thể tận dụng nguồn chất xám này một cách hữu dụng nhất, phân tích kỹ hơn, ông Xuân cho rằng mặc dù người muốn về địa phương làm việc dĩ nhiên phải nắm được tình hình cơ bản, nhưng địa phương cũng cần phải “vạch áo” ra cho người ta xem tình hình của mình.
“Có thể đưa ra rất nhiều vấn đề để người tốt nghiệp nước ngoài về tham gia ý kiến, thành lập dự án để góp sức với địa phương. Nếu làm được sẽ tạo điều kiện về vốn liếng, cơ chế cho họ”.
Dĩ nhiên, thanh niên mới đi học về thường không đủ tiền để làm điều mình mong muốn. Nhưng hãy để họ xem rồi góp ý, hình thành giúp dự án, huy động sự quen biết tham gia. Ví dụ, họ có thể kêu gọi những giáo sư mình học trước đây góp ý cho hướng thực hiện, nội dung phương pháp thực hiện...”
“Chúng ta cần rất nhiều thanh niên đi học về và làm việc hữu ích như thế. Với tri thức, kiến thức, kỹ năng, họ tiêu thụ được nguyên liệu cho người nông dân, tạo công ăn việc làm cho người không có cơ hội đi học như mình”.
“Những người trẻ mang về sự nhiệt tình của người có kiến thức mới, muốn phục vụ cho địa phương, đất nước. Nếu không coi họ là người “hứng đạn” của địa phương, cơ quan biết phát huy kiến thức của người đi học về, hiệu quả sẽ vô cùng to lớn” – ông Xuân nhấn mạnh.
Theo Ngân Anh (Báo Vietnamnet)