Thả nổi giá sách giáo khoa: Cơ quan quản lý cần xem xét lại!
(Dân trí) - "Sách giáo khoa cũng như gạo, xăng dầu là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, Nhà nước cần có sự quản lý giá cả, thậm chí bù lỗ nếu cần. Cơ quan quản lý nhà nước không thể thả nổi giá".
Tăng giá SGK là một vấn đề cần phải xem xét về mặt nhân văn và xã hội
Chia sẻ với Dân trí, GS.TS Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong thời điểm tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn do mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19, tăng giá SGK là một vấn đề cần phải xem xét về mặt nhân văn và xã hội.
Theo ông Dong, giá SGK cần phải giải trình để dư luận xã hội đồng thuận, không thể để các NXB quyết định giá sách theo thị trường vì người làm kinh doanh luôn muốn bán càng lãi càng tốt.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), thành viên Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc sách giáo khoa (SGK) tăng giá gấp 2-3 lần so với trước đây là không hợp lý.
TS Khuyến lý giải rằng, tăng giá SGK cần phải phù hợp với thu nhập trung bình của người dân. "Với thu nhập của tôi hay gia đình tôi có thể đủ khả năng mua sách học cho con cháu nhưng với đa phần người dân mức tăng giá này đưa họ vào tình thế khó khăn".
Phân tích cụ thể hơn, TS Lê Viết Khuyến khẳng định: "Tôi không tán thành cách giải thích lý do tăng giá SGK như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói là vì sách được in giấy tốt, khổ rộng, giá vật liệu tăng cao...
Có thể thấy rằng, hiện tại giấy in SGK chưa phải là loại giấy tốt nhất. Trên thị trường còn có những loại giấy in lịch, in tạp chí... tốt hơn. Vậy sẽ ra sao nếu các nhà xuất bản in sách bằng những loại giấy cao cấp này để giá thành SGK đội lên cao hơn nữa? Bởi vì nhu cầu của con người là vô cùng.
Với các "đại gia", gia đình có điều kiện, họ cho rằng con cháu họ phải dùng loại sách tốt nhất, sản phẩm cao cấp nhất. Nhưng người giàu chỉ là thiểu số, còn SGK sản xuất để phục vụ đại trà, do vậy cần phải lựa chọn chất liệu cho phù hợp với đại trà, cân bằng các nhu cầu của người dân. Như vậy, cách giải thích về việc tăng giá sách của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT như vậy là không thuyết phục".
Ngoài ra, ông Khuyến cũng chỉ ra rằng, nếu giá SGK tăng cao là do các nhà xuất bản (NXB) mất nhiều chi phí biên soạn nội dung mới, tiền thuê các tác giả, trả nhuận bút cao..., Nhà nước càng cần có sự quản lý của một cách rõ ràng. "Các NXB cần chấp nhận bù lỗ vào năm đầu sản xuất sách, tính toán hợp lý để thu hồi vốn, sinh lời vào những năm tái bản, chứ không phải tính tất cả chi phí vào giá thành sách để học sinh trong thời kỳ thay đổi SGK phải "gánh" hết được".
Mặt khác, ông Khuyến đồng tình với việc nâng giá sách do trượt giá, vật liệu tăng cao. Tuy vậy, ông khẳng định không có sự trượt giá vật liệu sản xuất sách nào gấp 2-3 lần trong vài năm qua.
"SGK cũng như gạo, xăng dầu là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, Nhà nước cần có sự quản lý giá cả, thậm chí bù lỗ nếu cần. Cơ quan quản lý Nhà nước không thể thả nổi giá SGK. Bởi vì thả nổi giá SGK là buông lỏng quản lý. Bộ GD-ĐT cần phải nhận thiếu sót và lắng nghe ý kiến người dân chứ không nên ngụy biện", TS. Lê Viết Khuyến nói.
Ông Khuyến bổ sung rằng, cần phân loại các sách học dành cho học sinh. Với sách bài tập, làm thêm mà học sinh làm bài ngay trên sách, nên in bằng loại giấy phù hợp. Nếu đúng như người dân phản ánh rằng có những loại SGK chỉ dùng một lần, các vật liệu sản xuất càng phải rẻ tiền hơn. Với những cuốn sách, học liệu sử dụng dài lâu mới cần sản xuất bằng vật liệu tốt.
"Việc đổi mới giáo dục là cần thiết, đổi mới sách là cần thiết để chất lượng dạy và học được nâng cao hơn. Tuy nhiên tùy vào bậc học, giáo dục đại học cần cập nhật thường xuyên. Còn với giáo dục tiểu học thì khối lượng kiến thức ổn định, ít thay đổi, nếu có cũng chỉ là cập nhật. Vậy việc cập nhật sách nên có sự cân nhắc.
Ngành giáo dục nên lắng nghe, ý kiến của các chuyên gia, xã hội, không nên đi vào hướng thanh minh, bao biện", nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh.
Cần có khung giá trần với sách giáo khoa
TS Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia có quan điểm: "Không nên so sánh giá sách hiện tại với giá sách của cách đây 10-15 năm mà nên so với mức độ phát triển kinh tế hiện tại. Chúng ta phải cân đối giữa giá thành và chất lượng hiện tại".
"Tất nhiên, con số tính toán cụ thể cần phải minh bạch. Ở góc độ vĩ mô cần phải quan tâm tới việc giá SGK phù hợp với điều kiện kinh tế của người có thu nhập thấp, người nghèo. Quan điểm của tôi là nên có những chương trình, quỹ sách dành cho những vùng khó khăn, thư viện của các trường có thể có chế độ cho mượn. Rất khó để giải được bài toán là giá thành thấp mà chất lượng sản phẩm cao.
Ở đây nếu chúng ta nhìn nhận giá sách là vấn đề cần phải kiểm soát. Tôi ủng hộ Chính phủ, Quốc hội ra khung trần về giá sách và không được vượt quá. Lúc đó, về mặt thiết kế, các NXB sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp. Còn nếu không có những quy định cụ thể về kiểu mẫu, khung giá, các NXB sẽ làm sách với chất lượng mẫu mã cao để bán được giá tốt", ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, đa phần các nước phát triển trên thế giới, giáo dục phổ thông đang đi theo xu hướng chung là một chương trình, nhiều bộ SGK. Các NXB cạnh tranh với nhau cả về chất lượng nội dung, hình thức, giá cả để bán sách. Chúng ta đang đi theo xu hướng chung và phải học hỏi các bài học từ các nước và từ thực tiễn. Nhà nước, các NXB và người dân cũng cần thay đổi tư duy để phù hợp hơn.
TS Phạm Hiệp nhấn mạnh, điều quan trọng là thay đổi cách dạy và học. Hiện nay SGK không còn là "sổ tay biết tuốt" mà người dạy, người học chủ động hơn trong việc học. Quyền lợi của người học là được lựa chọn SGK cho phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng.