Thả nổi chất lượng trung tâm ngoại ngữ: Người học lãnh đủ
(Dân trí) - “Mặc dù các cơ quan quản lý đã có kiểm soát và quy định cụ thể nhưng do địa bàn quá rộng, nhiều lớp tiếng Anh tự phát và không chính thống, khiến cơ quan chức năng rất khó quản lý các trung tâm ngoại ngữ”. Trên đây là ý kiến của bà Nguyễn Lam Giang, Trưởng đại diện khu vực Đông Nam Á của Trường ĐH Waikato (New Zealand) khi nhận xét về chất lượng của một số trung tâm ngoại ngữ hiện nay.
Lộn xộn và khó kiểm soát
Nói về sự lộn xộn trong các trung tâm ngoại ngữ hiện nay, theo bà Lam Giang, có lẽ đó chỉ là một số trung tâm nhỏ hoặc là trung tâm không chính thống.
Bà Giang cho hay, quy định khi lập trung tâm tiếng Anh, các cơ quan quản lý yêu cầu đơn vị xin cấp phép phải cung cấp danh sách giáo viên chính nhưng thực tế nhiều trung tâm khi đăng kí một kiểu nhưng sau khi đăng kí xong, sẽ thay đổi.
“Rất nhiều trung tâm ngoại ngữ có tên tuổi và danh tiếng từ nhiều năm nay thường rất chặt chẽ trong việc đào tạo cũng như tuyển dụng giáo viên.
Chẳng hạn họ yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ Celta. Đây là chứng chỉ dành cho những người bản xứ muốn dạy tiếng Anh ở đất nước thứ hai.
Ngoài Celta, các trung tâm lớn này cũng thường có các yêu cầu cao và cụ thể các chứng chỉ như: Tesol, Delta… để đảm bảo người đó đủ kĩ năng và phương pháp sư phạm để giảng dạy.
Trong khi đó, trung tâm nhỏ ít có điều kiện để chiêu sinh giáo viên uy tín của nước ngoài. Đồng thời, số lượng giáo viên nước ngoài đủ chuẩn cũng không có nhiều nên thường bị các trung tâm lớn chiêu sinh hết”, bà Lam Giang cho biết.
Chia sẻ thêm về mặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập, bà Giang cho rằng: “Mặc dù các cơ quan quản lý đã có kiểm soát và có quy định nhưng do địa bàn quá rộng và đông, nhiều lớp tiếng Anh tự phát, không chính thống, khiến các đơn vị chức năng rất khó quản lý”.
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Lê Thị Chính, nguyên hiệu trưởng trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ (ĐH Sư Phạm Hà Nội) cho biết, hiện rất nhiều trung tâm mọc ra nhan nhản.
Một số trung tâm có uy tín, ngoài việc dạy ngoại ngữ còn làm được nhiều việc tốt như giới thiệu du học và giúp học sinh tìm kiếm nhiều học bổng.
Tuy nhiên, rất nhiều trung tâm nhỏ thì cực kì lộn xộn. Tiền học phí, nhiều nơi thu rất cao nhưng chất lượng đến đâu không biết và không ai chịu trách nhiệm.
Ví dụ ở trong nhà trường, khi học sinh học thì có kiểm tra đánh giá, giáo viên được kiểm định và bài vở của các em được chấm theo quy định của nhà trường.
Trong khi đó ở các trung tâm ngoại ngữ, nhiều nơi học viên thích thì học, không thích thì thôi nên rất khó kiểm soát chất lượng.
Người học “tự cứu”
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo quy định của Sở GD&ĐT, một trung tâm ngoại ngữ cần có đầy đủ 2 giấy phép, người dạy phải có chứng chỉ sư phạm.
Trước khi thành lập, phải trình hồ sơ của giáo viên và khi có sự thay thế giáo viên phải báo cáo ngay.
“Tuy nhiên, Sở GD&ĐT trong một số lần đi kiểm tra, vẫn phát hiện thấy có trường hợp thay đổi giáo viên nhưng trung tâm không báo cáo.
Việc thuê giáo viên có thể được phép bởi ngoài giáo viên chính, nhiều khi họ phải thuê để đảm bảo đủ. Nhưng về nguyên tắc, các trung tâm phải công khai thông tin về đội ngũ giảng viên trên trang web của mình.
Nếu vì lý do bảo mật, họ có thể cung cấp riêng cho học viên hoặc có tài khoản đăng nhập để người học chủ động tìm hiểu. Việc phát hiện ra trung tâm nào hoạt động chưa đúng yêu cầu cũng sẽ bị xử lý nghiêm thế nhưng vẫn có một số nơi cố tình vi phạm”, ông Tiến cho biết.
Xét về phía quyền lợi của người học, theo bà Nguyễn Lam Giang, việc các trung tâm hoạt động thiếu kiểm soát, chắc chắn người học sẽ ảnh hưởng đầu tiên.
“Hiện người học bị “rối loạn” thông tin qua facebook hoặc các trang mạng không chính thống, có khi do nghe người thân giới thiệu… nên bị nhiễu và không biết lựa chọn ra sao”. Vì thế không còn cách nào khác, phụ huynh phải tự tìm hiểu để có cách lựa chọn phù hợp.
Chị Thanh Hương (phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội), một phụ huynh có con đang học Anh ngữ tại một trung tâm cho hay, chị đã phải mất nhiều tháng trời lọ mọ tự đi tìm hiểu và test thử ở rất nhiều trung tâm, không có bất cứ chuẩn nào để làm căn cứ.
“Đầu tiên, tôi chọn các trung tâm đã có danh tiếng, đến test thử, đồng thời yêu cầu họ cung cấp một số giấy tờ, chứng chỉ của trung tâm cũng như của giáo viên để xem có đầy đủ hay đang hoạt động “chui”.
Sau đó, tôi đến test trình độ và trải nghiệm học thử xem sao. Tôi căn cứ vào thế mạnh của từng trung tâm như: Dạy ngữ pháp, dạy kĩ năng nghe nói, luyện chứng chỉ hay kĩ năng giao tiếp… Từ đó, căn cứ nhu cầu của gia đình và lực học của con để chọn học ở đâu là hợp lý”, chị Hương cho biết.
Cô Lê Thị Chính cũng cho rằng, việc các trung tâm lộn xộn, không ai kiểm soát chất lượng, cuối cùng chỉ người học lãnh đủ. Thậm chí nhiều người rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” như một số vụ lùm xùm ở trung tâm ngoại ngữ gần đây.
Trong khi sự kiểm soát chất lượng đang còn nhiều vấn đề, phụ huynh nên thông minh để lựa chọn các trung tâm ngoại ngữ uy tín.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, thay thế Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT. Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở/ban/ngành liên quan và UBND cấp huyện hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn.
Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phải công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn, các cam kết chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng, thời gian thành lập, địa điểm được cấp phép hoạt động trên cổng thông tin điện tử của sở để người học và xã hội giám sát.
Mỹ Hà