Khi cha mẹ là "nô lệ" của con:

Thà làm "nô lệ" cho con!

Phụ huynh là “nô lệ” mà là “nô lệ” tự nguyện. Câu hỏi đặt ra là: “Nô lệ” của ai?

 

Tôi rất tâm đắc với vấn đề mà diễn đàn  Khi cha mẹ là 'nô lệ' của con  đã đặt ra: Vì sao lại có thực trạng đáng buồn như trên?

Theo tôi, có ít nhất hai nguyên nhân.

Thứ nhất, đó là áp lực cuộc sống, công việc của những người làm cha mẹ. Đọc đến đây, sẽ có vị nổi đóa lên: Biết rồi khổ lắm nói mãi! Biết rồi nhưng nó là thực tế thì phải thừa nhận nó chứ. Ở không ít gia đình, nếu không có chuyện học hành của con cái thì người lớn đã “đau đầu” bởi vô thiên lủng chuyện phải giải quyết.

Thành ra nếu “chúng nó”, tức con cái, gặp phải chuyện “trục trặc kỹ thuật” gì đó, thay vì định hướng hay đồng hành với con để giải quyết thì phụ huynh xắn tay áo lên làm hộ con. Cho nó xong cho rồi, cho nó lành, cho nó khỏe. Để mà còn làm bao nhiêu việc khác nữa. Vậy thôi. Bởi vì định hướng, truyền kỹ năng sống, đồng hành… là những chuyện đòi hỏi nhiều thời gian, thậm chí xa xỉ với không ít hoàn cảnh.

Thứ hai, đó là sự bất an, một trạng huống đang có nguy cơ lan tràn trong đời sống tinh thần của một bộ phận không nhỏ người dân. Bất an từ ngoài xã hội: giao thông, thực phẩm, trật tự… Ở khu công nghệ cao, bỗng đâu một thằng bá vơ nào đó xuất hiện đâm vật nhọn vào ngực chín công nhân thì tại sao phụ huynh lại không lo cho con mình? Rồi đến bất an trong nhà trường. Thú thật hôm nào con tôi (lớp 8) đi học sớm hơn thường ngày, tôi lo đến phát sốt. Hình ảnh rợn người trong những clip về bạo lực học đường ám ảnh tôi.

Nếu không kiềm chế, tôi sẽ dắt xe ra mà vù theo con, ở với nó cho đến giờ vào lớp rồi mới trở về. Mà đâu chỉ chuyện đánh nhau. Bài tập, bài kiểm tra tính không một chỗ sai vẫn chỉ được 7-8 điểm. Tại sao không là 9, 10? Vì không đi học thêm. Cũng bài làm đó, nếu trẻ đi học thêm, điểm số sẽ khác.

Dạy học thêm có những mặt tích cực của nó nhưng dạy và học thêm dẫn đến những hệ lụy kéo dài như tôi vừa nói thì quả là đáng sợ. Đó là chưa kể bao nhiêu sự thay đổi xoành xoạch khác khiến các bậc sinh thành đi đến quyết định thực hiện phương châm: Thôi, trừ chuyện đi vệ sinh, những thứ khác mình làm cho tụi nó cho rồi, khỏi lăn tăn, khỏi phải nơm nớp, áy náy. 12 giờ 45 vào lớp hả, ba sẽ chở con đến ngay cổng trường vào lúc 12 giờ 40. Thích đạp xe hả, Chủ nhật cha con ra ngoại ô tha hồ đạp.

Con thương mẹ thì đừng tự ăn cái gì mình thích nha con, con cố ăn món mẹ chọn, lơ mơ là ung thư con ơi. Đọc báo, thấy nói máy nước nóng lạnh thỉnh thoảng bị chạm, có thể gây chết người, thôi để ba mẹ bật nút cho.

Hai nguyên nhân này là sản phẩm của một xã hội đang phát triển như Việt Nam? Chấp nhận nó? Sống chung với nó? Và làm hộ con vẫn “tốt” hơn bỏ mặc con? Chẳng hạn chở con đi học thì rõ ràng có lợi hơn là ngồi tám trong quán cà phê, không cần biết con đi học thêm hay vào tiệm nét?

Phụ huynh là “nô lệ” mà là “nô lệ” tự nguyện. Câu hỏi đặt ra là: “Nô lệ” của ai? Có lẽ quý vị sẽ thấy chút ánh sáng cuối đường hầm khi nghĩ về câu chuyện bi hài này: Trong số các vị phụ huynh chở con đi học thêm, có người là cán bộ phòng, sở giáo dục hiện là thành viên tổ, nhóm chuyên đi lập biên bản giáo viên dạy thêm.

Bất an.

Theo Đặng Khiết Đam (Báo Pháp luật TP.HCM)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm