Tết Việt của lưu học sinh tại Sydney
(Dân trí) - Lưu học sinh từ các trường đại học khác nhau tại Sydney, Úc đã tề tựu về ngôi nhà 20 phố Barker (Kingsford, Sydney) là “tổng hành dinh” của Hội sinh viên Việt Nam tại Sydney để dự buổi gặp mặt thân mật đón Tết Canh Dần 2010.
Anh Thanh Tuấn, một lưu học sinh kì cựu gắn liền với các hoạt động văn hóa thể thao của Hội sinh viên Việt Nam tại Sydney cho biết những ngày Tết cổ truyền thường rơi vào cuối kì nghỉ hè dài bên Úc. Bởi vậy vào dịp này ở Sydney chỉ còn lại một số bạn đăng ký học thêm hoặc vì lý do kinh tế mà không thể sum họp với gia đình trong những ngày xuân. Bản thân anh năm nay đang bận rộn hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh giai đoạn cuối nên ban đầu không có kế hoạch gì đặc biệt cho những ngày Tết nơi xứ người.
Nhận thư mời của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney Vũ Hồng Nam, anh Thanh Tuấn đã cùng bạn bè tham dự buổi gặp mặt thân mật đón xuân mới với kiều bào và các lưu học sinh. Những lời hỏi thăm chúc Tết chân tình từ các cán bộ lãnh sự quán, những cuộc trò chuyện cởi mở giữa bạn quen bạn mới cùng hình ảnh quen thuộc của cái Tết cổ truyền như cành mai vàng, cành đào tươi, đĩa bánh chưng, xôi gấc... đã để lại ấn tượng sâu sắc nơi các bạn lưu học sinh.
Cũng chính tại buổi gặp mặt, các bạn sinh viên từ các trường đại học UNSW (University of New South Wales), Usyd (University of Sydney), UTS (University of Technology, Sydney), Wollongong đã lên kế hoạch cho buổi gặp gỡ tối 30 Tết. Địa điểm tổ chức không đâu khác chính là “tổng hành dinh” của Hội Sinh viên Việt Nam tại Sydney - ngôi nhà 20 phố Barker. Các bạn lưu học sinh đã cùng chung tay chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên với nhiều món ăn từ cổ truyền như thịt kho trứng, chả giò, lạp xưởng, súp khoai, bắp bò luộc, gỏi gà đến các món hiện đại như bạch tuộc nướng, salad Nga...
Đặc biệt, chị Thủy, một nghiên cứu sinh kì cựu, còn mang đến mâm cỗ những chiếc bánh chưng tự gói. Chị cho biết: “Ban đầu cũng chỉ định mua sẵn, nhưng khi nhìn thấy những chiếc bánh chưng thì mình lại thèm gói bánh. Bên này không có lá dong nên phải gói bằng lá chuối. Khuôn cũng không có nên phải sáng tạo bằng các bìa giấy cứng. Tuy có vất vả thiếu thốn hơn ở nhà nhưng cái cảm giác từ lúc bắt đầu gói đến khi hoàn thành thì chẳng sao quên được”.
Bài và ảnh: Yên Phong