Tạo hứng thú trong môn Giáo dục công dân
Giáo dục công dân là môn học có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên ở trường THPT môn học này cũng bị xem là môn phụ, chưa thực sự thu hút sự đam mê, yêu thích của học sinh.
Nhiều giáo viên chưa nhận thức được đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của bộ môn này trong đào tạo nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nên chưa có nhiều suy nghĩ để tạo ra những phương pháp giảng dạy hiệu quả. Đa số giáo viên sử dụng phương pháp đọc - chép theo sách giáo khoa là chủ yếu, thiếu hấp dẫn, học sinh khó hiểu, nhàm chán.
Chưa kể, môn GDCD còn là môn đóng vai trò chính trong việc tích hợp rất nhiều vấn đề như: Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng sống, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, giáo dục về an toàn giao thông...
Vì thế, khi giảng dạy nếu không biết cách lựa chọn nội dung tích hợp phù hợp thì không những làm loãng kiến thức mà còn khiến học sinh cảm thấy chán và từ đó không thích môn học này.
Ngoài ra, hiện nay ở trường THPT, phần lớn giáo viên đảm nhận dạy môn GDCD cấp THPT thường là tốt nghiệp chuyên ngành kép như Sử - Chính trị hoặc chuyên ngành Lịch sử dạy phụ thêm các tiết môn GDCD.
Bởi vậy, việc giảng dạy không những gặp khó khăn về nội dung kiến thức, nhất là kiến thức kinh tế, pháp luật mà còn hạn chế trong việc rèn luyện một số kỹ năng cho học sinh, nhất là kỹ năng sống.
Có thể nói, môn GDCD vốn có nhiều kiến thức liên quan với cuộc sống hiện tại cho nên việc liên hệ giữa bài học và cuộc sống thực tiễn là điều cần thiết. Để làm được điều này buộc người thầy phải tham khảo nhiều tài liệu, tích lũy nhiều vốn sống, có kiến thức sâu rộng và truyền đạt đến học sinh bằng niềm say mê thực sự của mình.
Việc gây hứng thú, cuốn hút và làm cho học sinh yêu thích bộ môn hay không phần chính là ở người thầy chứ không phải là nội dung chương trình.
Để gây hứng thú cho học sinh, trong từng bài học, tiết dạy của mình người thầy cần phải đưa ra nhiều tình huống thật gần gũi với cuộc sống để các học sinh nhận xét, xử lý, lựa chọn và sau mỗi tình huống đó giáo viên sẽ chỉ ra cho các em thấy được vấn đề đúng ở đâu và sai ở đâu.
Thông qua mỗi tình huống người thầy phải giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Dạy theo cách này học sinh rất thích vì được “phát ngôn” theo sự hiểu biết của mình.
Ngoài ra, người thầy cũng cần tổ chức cho học sinh học nhóm để các em tự nghiên cứu, hợp tác, tìm tòi và đưa ra kết quả của riêng mình, từ đó học sinh sẽ dần làm quen và dễ xử lý tình huống gặp phải trong thực tế cuộc sống. Giáo viên chỉ là người định hướng và chốt lại vấn đề cốt lỗi cho học sinh.