Tăng tiết - Biến tướng của dạy thêm, học thêm?
Mới đầu năm học đã tăng tiết. Không chỉ lớp cuối cấp mà các lớp đầu cấp, giữa cấp cũng tăng tiết. Tăng tiết vào buổi sáng, buổi chiều và cả... buổi tối.
Các trường luôn đưa ra thông báo "đăng ký học tăng tiết dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh" - tự nguyện nhưng không học không được.
"Con gái lớn của tôi năm nay học lớp 9 Trường THCS Ngô Quyền, Q.Tân Bình (TPHCM). Cháu học rất khá nên chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện cho cháu đi học thêm. Tuy nhiên, nhà trường bắt buộc tất cả HS khối 9 phải đăng ký học tăng tiết tại trung tâm bồi dưỡng văn hóa (trực thuộc trường) ba môn văn, toán, ngoại ngữ. Khổ nỗi nhà tôi ít người, không ai đưa rước, cháu phải tự đạp xe đi học. Cứ một tuần ba buổi tối, con gái đạp xe đi học tăng tiết tôi e ngại vô cùng..." (trích thư của một phụ huynh).
"Tôi tưởng học cả sáng lẫn chiều ở trường thì về nhà gánh nặng bài vở sẽ giảm đi. Nhưng không, con tôi vẫn phải học bài đến 22g khuya và vẫn phải đi học thêm ở nhà thầy cô trong trường" - chị P., phụ huynh Trường THCS Độc Lập, Q.Phú Nhuận, cho biết.
1.001 lý do tăng tiết
Theo ông Nguyễn Hòa Thuận - hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền: "Trường dạy tăng tiết để đảm bảo hiệu suất đào tạo, nhất là với HS cuối cấp. Năm trước có đến 10 HS ở Ngô Quyền không đủ điều kiện tốt nghiệp THCS nên năm nay nhà trường phải củng cố kiến thức cho các em từ đầu năm".
Tương tự như thế, Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận, TPHCM đưa ra lý do: "Những năm trước Cầu Kiệu tuyển sinh lớp 6 với điểm chuẩn rất cao. Năm nay chúng tôi tuyển sinh đại trà như bao trường khác nên có nhiều HS trung bình, yếu. Thế mới phải tổ chức cho các em học tăng tiết hai buổi/tuần".
Ông Nguyễn Duật Tu - hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình (TPHCM), phân tích: "Chương trình quá nặng, những tiết học chính khóa "tải" không hết kiến thức. Chưa kể ở trường tôi đầu vào HS hơi thấp, nếu không tăng tiết sẽ rất khó khăn cho cả HS và giáo viên".
Biến tướng của dạy thêm - học thêm?
Chị N. - một giáo viên môn vật lý ở Q.Bình Thạnh - bức xúc: "Mặc dù đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhưng vẫn không giảm áp lực học hành cho HS. Lấy ví dụ: HS khối 8 sẽ học hai tiết lý/tuần theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. Trong đó, gần như mỗi tiết học một bài, giáo viên không có thời gian để hướng dẫn giải bài tập cho HS. Mà nội dung các bài kiểm tra do phòng GD, sở GD-ĐT ra đều có nhiều bài tập. Trên thực tế trường chúng tôi phải dạy tăng thêm 1-2 tiết vật lý/tuần cho HS khối 8".
Tăng tiết đương nhiên phải có thu tiền, lại thêm một gánh nặng đối với phụ huynh. Nhưng chưa hết, theo lời chị N.: "HS cũng khổ lắm! Như ở trường tôi: buổi sáng HS học năm tiết đến 11g30, buổi trưa về nhà vội vã ăn cơm rồi lại đạp xe đến trường cho kịp giờ học tăng tiết lúc 13g30. Có bữa 18g mới tan học vì đâu phải chỉ có một môn vật lý quá tải, hầu như môn nào cũng quá tải".
Hai năm trở lại đây, nhiều trường phổ thông ở TPHCM còn hợp thức hóa việc tăng tiết bằng mô hình dạy hai buổi/ngày. Theo hướng dẫn về dạy hai buổi/ngày của Bộ GD-ĐT: buổi thứ hai trong ngày nhà trường sẽ dạy tăng cường các môn văn hóa nhằm ôn luyện kiến thức cho HS, đồng thời tổ chức cho HS sinh hoạt cộng đồng, tham gia hoạt động văn, thể, mỹ nhằm giáo dục toàn diện.
Thế nhưng đa số các trường đều không thể thực hiện được vế thứ hai mà chỉ đơn thuần dạy các môn văn hóa. ông Phạm Văn Trường - hiệu trưởng Trường THCS Cầu Kiệu - thừa nhận: "Do điều kiện cơ sở vật chất nên trường chỉ có thể dạy tăng tám tiết/tuần, chỉ có thể giúp HS rèn luyện kỹ năng các môn văn hóa chứ chưa thể thực hiện việc rèn luyện năng khiếu cho HS (trong buổi học thứ hai) như hướng dẫn của Bộ GD - ĐT".
Ông Nguyễn Duật Tu khẳng định: "Tăng tiết là một hình thức của dạy thêm - học thêm. Chỉ khác là có trường để phụ huynh tự nguyện đăng ký, có trường ép buộc phụ huynh phải đóng tiền cho con đi học".
Theo Hoàng Hương
Tuổi Trẻ