Tăng thu nhập, giảm giờ làm cho giáo viên mầm non
(Dân trí) - Định hướng sẽ chú trọng chính sách cho giáo viên mầm non, bao gồm tăng thu nhập, nâng cao năng lực nghề nghiệp, giảm giờ làm việc, hỗ trợ GDMN vùng khó khăn.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam, do Bộ GD&ĐT vừa phối hợp tổ chức.
Cả nước thiếu hơn 44.000 giáo viên mầm non
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) Nguyễn Bá Minh chia sẻ về chính sách phát triển GDMN và cho biết, định hướng sẽ chú trọng chính sách cho giáo viên mầm non, bao gồm tăng thu nhập, nâng cao năng lực nghề nghiệp, giảm giờ làm việc, hỗ trợ GDMN vùng khó khăn, hướng đến phổ cập GDMN trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.
Về đội ngũ nhà giáo, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Phạm Tuấn Anh thông tin, so với định mức quy định, toàn quốc còn thiếu 106.945 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu 44.068 giáo viên.
Tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát và triển khai sửa đổi nhiều thông tư và đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và nâng cao năng lực của các trường đại học sư phạm.
Đại biểu là cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương, trường học của Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Tuyên Quang cũng cung cấp, chia sẻ về chính sách dinh dưỡng cho trẻ mầm non, công tác phối hợp trong giáo dục trẻ, công tác xã hội hóa, kinh nghiệm xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng.
Các chuyên gia đến từ Viện Dinh dưỡng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ Giáo dục Malaysia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Thế giới tiếp tục trao đổi về dinh dưỡng, đào tạo giáo viên, chính sách hỗ trợ cha mẹ, kinh nghiệm quốc tế trong phiên làm việc tiếp theo của hội thảo.
Tại hội thảo, ông Christophe Lemiere, lãnh đạo Ban Phát triển con người tại Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để xã hội hóa, cộng tác đối với tư nhân, đặc biệt các tư nhân hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu phát triển giáo dục mầm non.
Theo ông Christophe, muốn phát triển GDMN toàn diện thì cần phát triển tiềm năng ở các địa phương. Chương trình GDMN cần có cấu trúc cụ thể, rõ ràng hơn. Năng lực giáo viên, nội dung chương trình giáo dục cần phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể.
Ông Christophe Lemiere cũng khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẽ cũng các đối tác khác tích cực hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện GDMN Việt Nam.
Đổi mới GDMN bắt đầu từ gia tăng chất lượng
Lắng nghe các ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của ngành Giáo dục đối với GDMN. Sự đổi mới của toàn hệ thống giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới, gia tăng chất lượng GDMN.
Chăm lo cho giai đoạn này vừa là một vấn đề khoa học, vừa là vấn đề thuộc về nhận thức, tình cảm, lương tri, dành điều tốt nhất cho trẻ em.
Đó là tầm nhìn mang tính chất quốc gia, với thế hệ trẻ Việt Nam và công dân thế giới, mặc dù Việt Nam còn khoảng cách rất lớn với các nước phát triển về điều kiện chung của quốc gia, thu nhập của người dân và ngân sách của Nhà nước.
Bộ trưởng cho biết, các ý kiến đã gợi mở đích phấn đấu, thực tiễn triển khai để xem xét, thể hiện sự tâm huyết đối với GDMN.
Thông qua hội thảo, Bộ GD&ĐT đã thu nhận được rất nhiều thông tin hữu ích, không chỉ cho xây dựng chương trình GDMN sắp tới mà còn với công tác điều hành quản lý GDMN, giáo dục phổ thông, đại học, nhất là hệ thống trường sư phạm.
Với việc xây dựng chương trình GDMN trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý, việc thiết kế chương trình phải lưu ý rất lớn đến tính phức hợp, liên ngành, tích hợp, không thuần túy chương trình phục vụ hoạt động giáo dục, mà bao hàm cả chính sách về dinh dưỡng, phát triển thể chất, tinh thần, đi cùng các giải pháp cho các vấn đề xã hội và cuộc sống khác có liên quan.
Bên cạnh đó, cần chú ý tính khả thi của chương trình đặt trong điều kiện thực tiễn, đặc thù khu vực khó khăn trên cơ sở tính phổ biến, tính chung của đối tượng và 63 tỉnh, thành phố.
Trong các yếu tố quan trọng để đảm bảo chương trình thành công, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của lực lượng giáo viên, theo đó, việc chuẩn bị lực lượng, tập huấn, đào tạo đảm bảo số lượng và chất lượng, cùng việc chuẩn bị tài liệu, yêu cầu phải bắt đầu ngay trong quá trình xây dựng chương trình.
Trong quá trình chuẩn bị này, cần tính đến phương diện chính sách cần có để mở đường, tính đến những cơ hội tiếp cận tập huấn hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng giáo viên ngoài công lập.
Song song với đó, các trường sư phạm cần chú trọng đổi mới giáo viên, điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên.
Thống kê của Bộ GD&ĐT, ở Việt Nam còn gần 20% trường học đang trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố. Tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học chưa được kiên cố hóa chiếm nhiều nhất.
Theo đó, trong 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hóa trường học, phải giải quyết nhiều nhất câu chuyện kiên cố hóa đối với hệ thống các trường mầm non.
Tiếp nhận các ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng cho hay, sẽ có những chỉ đạo đơn vị chuyên môn để xử lý các kiến nghị cấp bách, không đợi chương trình mới ban hành mới bắt đầu.