Tăng mạnh số thí sinh “né” đại học

Ngày càng nhiều học sinh không chọn thi đại học là tín hiệu đáng mừng.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm nay giảm so với năm ngoái khoảng 10% đến 15%. Đồng thời, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng giảm so với năm 2015. Liệu đây có phải là tín hiệu đáng mừng?

tang manh so thi sinh
Nhiều thí sinh chọn học nghề. (Ảnh: p.v).

Đại học không còn là con đường duy nhất…

Kỳ thi THTP Quốc gia 2016 - 2017, tỷ lệ số học sinh không lựa chọn thi đại học tại nhiều tỉnh thành tăng cao so với năm học trước. Ngay tại Hà Nội, số thí sinh (TS) không thi ở Hà Nội cũng giảm mạnh. Cụ thể, số TS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không thi đại học là 16.390 em. Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học này, lượng TS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp tăng cao so với năm ngoái (năm 2015 có 11.000 em). Điều này là do học sinh đã xác định về khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai.

“Ngày càng nhiều học sinh không chọn thi đại học là tín hiệu đáng mừng. Thực tế nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào đại học, nhiều người còn gọi là “phổ cập đại học”. Trong khi đó, phần “trống” là giáo dục nghề nghiệp, nơi cung cấp nguồn nhân lực là công nhân lành nghề phục vụ sản xuất trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh lại ít có chất lượng cao”. - GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.

Còn theo Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 50% HS chỉ xét tốt nghiệp, tăng so với năm trước. Đa số các em thuộc huyện nghèo, huyện xa, học lực yếu đã biết lựa sức mình không chọn học đại học. Có trường tỉ lệ này chiếm đến hơn 90% như: Bác Ái, Thuận Bắc.

Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết: Năm nay toàn tỉnh có 12.744 HS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm hơn 44%. Số lượng này tăng so với năm 2015. Trong đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường tỷ lệ HS chỉ xét tốt nghiệp lên tới 90 - 100%. Hầu hết các trường trong toàn tỉnh đều có khá nhiều HS không đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.

Lý giải cho việc này, ông Vinh cho rằng công tác phân luồng, hướng nghiệp của tỉnh trong những năm qua khá tốt và hiệu quả, khi tại các trường, giáo viên hướng nghiệp cho HS ngay từ đầu. Theo đó, đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công. “Những em học lực trung bình, chúng tôi định hướng cho các em tốt nghiệp xong đi học nghề để nhanh chóng ra trường đi làm.

Trong số 44% TS chỉ thi để xét tốt nghiệp, đa số các em chọn học nghề do các trường nghề có ưu đãi về học phí và liên kết với doanh nghiệp để cam kết ra trường có việc làm ngay”- ông Vinh nói.

Lý giải hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, năm nay, một số TS tốt nghiệp THPT chuyển sang học nghề và làm việc theo sự phân công của thị trường lao động. TS nào thấy đủ năng lực học ĐH, CĐ thì học tiếp, còn em nào không đủ năng lực thì đi học nghề… Việc TS đăng ký tuyển sinh ĐH từ kết quả kỳ thi THPT Quốc gia giảm hơn so với năm trước là điều đáng mừng!.

Chọn công việc thiết thực hơn bằng cấp “ảo”

Hiện nay cả nước có 412 trường ĐH, CĐ tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH, CĐ; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng.

Nhận định về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, tỷ lệ học sinh thi ĐH giảm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào đánh giá về bằng cấp đã thay đổi. PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất, Bộ GD&ĐT cần cải thiện việc phân luồng học sinh. Bởi lẽ, hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số theo ĐH chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề.

Theo PGS Nguyễn Ngọc Quang, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tình trạng sa sút của giáo dục ĐH có một phần trách nhiệm rất lớn của các trường đại học, đặc biệt các trường công lập.

Các trường chạy theo số lượng đào tạo mà coi nhẹ chất lượng. Trong cơ chế tự chủ tài chính nửa vời như hiện nay đã dẫn tới đa số các trường ĐH chạy theo số lượng quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên.

Việc tuyển số lượng sinh viên mà không quan tâm tới nhu cầu của xã hội và dẫn đến lượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp ngày càng cao. Hơn nữa, chương trình đào tạo của các trường thường chưa đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của nền kinh tế có nhiều biến động.

Điều này thể hiện ở thực trạng của sinh viên hiện nay ra trường kỹ năng mềm còn hạn chế, kiến thức cơ bản chưa vững. Do vậy chất lượng của sinh viên có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất khoảng 20% là các sinh viên tích cực, chăm chỉ trong học tập và có thái độ nghiêm túc; Nhóm thứ 2 khoảng 30% là các sinh viên học bình thường; Nhóm thứ 3 khoảng 50% là sinh viên học đối phó và lười học. Thế nhưng kết quả cấp bằng của một số ngành đưa ra con số đáng kinh ngạc, khoảng 70% bằng giỏi, điều này không phản ánh đúng về chất lượng đào tạo.

Năm nay, với lựa chọn giảm xét tuyển ĐH, TS ngoài việc đã biết lượng sức mình thì các em cũng đã có cái nhìn thực tế hơn trong việc tìm một nghề nghiệp, một công việc thiết thực hơn là câu chuyện bằng cấp ảo.

Theo Hoàng Dũng

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm