Tăng học phí: Nhà giàu cũng khóc!

Nếu đề án điều chỉnh học phí do Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ được phê duyệt thì chắc chắn sẽ có nhiều sinh viên có nguy cơ phải bỏ học...

Đây là lời khẳng định của khá nhiều SV khi được hỏi.

 

Trước thông tin này, nhiều SV thật sự bị “sốc”, đặc biệt là những SV nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn.

 

Sinh viên nghèo, khó khăn chồng chất

 

Mức khung học phí (HP) theo quy định hiện hành của Bộ GD ở bậc ĐH là từ 50.000-180.000đ/tháng (một số trường tự chủ tài chính thu mức cao nhất là 250.000), ở bậc CĐ là từ 40.000 -150.000đ/tháng.

 

Một SV ngoại tỉnh lên học ở các TP lớn chi phí cho cuộc sống bình quân mỗi tháng khoảng 500.000đ nhưng cũng phải tùng tiệm cho các việc đi lại, ăn, ở, bút sách (chưa kể tiền học phí)... Nếu ở nông thôn, chỉ dựa vào mấy sào ruộng thì các gia đình nông dân phải chạy vạy ngược xuôi, thậm chí phải vay nợ lãi mới có tiền trang trải cho con học ĐH là điều thường thấy. 

 

Hầu hết các phụ huynh được hỏi đều có phản ứng khá nhạy cảm, đặc biệt là những phụ huynh có 2,3 con theo học  ĐH.

 

Cô Bùi Thị Lý (Yên Thủy - Hòa Bình) có hai con là Bùi Thị Hồng Thắm và Bùi Thị Linh đang học tại Hà Nội sửng sốt: “Có thể tăng đến 900.000đ cơ à? Nếu vậy tôi phải tìm đâu tiền cho chúng nó đi học đây? Hai năm chúng nó học trên HN, nhà có thứ gì đắt tiền đều bán hết rồi!”.

 

Bác Trần Xuân Ban, bố của Trần Xuân Bách - SV ĐH năm 3 Bách khoa và Trần Xuân Hưng năm thứ 1 ĐH Thủy lợi khi biết tin HP sẽ tăng vào năm tới thì chỉ lắc đầu: “Chúng nó có khi phải bỏ học mất thôi !”

 

Trước nỗi lo HP nhiều SV đã tính chuyện dành cả thời gian học để đi làm thêm may ra có thể  tiếp tục theo học, nhưng xem ra cũng khó thực hiện.

 

Trịnh Văn Xuyên - CĐ Công nghiệp HN đã từng chạy cả xe ôm, bán báo rồi làm tiếp thị lấy tiền đóng học làm phép tính: “Làm bán thời gian em kiếm được 300.000đ cộng với số tiền nhà gửi cho 350.000đ thì cũng chưa đủ đóng HP theo mức mới. Hơn nữa, đi làm thêm thì không có thời gian học ở nhà (nhiều khi làm về mệt chỉ lăn ra là ngủ thì còn học được gì?)". 

 

Sinh viên giàu cũng... khóc?

 

Không chỉ những SV nghèo hay ở nông thôn mới bàng hoàng trước thông tin sang năm 2006 áp dụng mức HP mới mà cả những SV ở TP có mức sống cao hơn cũng chung tâm trạng.

 

Phùng Thị Lan Anh - SV năm thứ nhất ĐH Quản trị kinh doanh HN (quê ở TX Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc) có bố là một trưởng khoa Y học cổ truyền BV Vĩnh Phúc cũng... tá hoả: “Em được bố mẹ chu cấp 1,2 triệu một tháng, trừ 450.000đ HP em còn 750.000đ vừa ăn, ở, xăng xe... là hết. Nếu HP lại tăng thì lương bố em chỉ được tăng thêm 200.000đ cũng không bù được”.

 

Hay như trường hợp của Nguyễn Phương Anh ở ngay HN (SV trường ĐH Sân khấu Điện ảnh) có bố là kiến trúc sư, mẹ là GĐ một Cty TNHH sản xuất bánh kẹo thuộc hàng SV giàu của lớp cũng cảm thấy khó khăn: “ Nếu trường em tăng HP tới 900.000/tháng cộng với các chi phí thiết yếu khác cũng phải chiếm phần không nhỏ trong thu nhập của cả nhà em rồi. Cầu mong ngành học của em không phải tăng nhiều đến thế!”.

 

Cũng như nhiều cán bộ ngành Quân đội có con đi học ĐH khác, bác Lý Thế Biên (Học Viện CTQS) - phụ huynh  SV Lý Thùy Dương học năm thứ 1 trường ĐH Luật HN kêu ca: “Lương của tôi 1 tháng được 2 triệu, chi cho con đi học là 800.000đ còn lại 1,2 triệu chia cho 3 người đã thấy tiết kiệm tối đa lắm rồi. Giá cả đã đắt đỏ giờ lại thêm HP  cũng “đắt”, biết làm sao!”.

 

Mức tăng học phí hợp lý không ?

 

Hiện nay, đa số dư luận cho rằng việc điều chỉnh  HP như là cần thiết nhưng đề án đưa ra là chưa hợp lý, HP tăng quá nhanh, quá cao và quá đột ngột.

 

Một chuyên viên thuộc Sở GD-ĐT một tỉnh cho rằng: “Thời gian mà Bộ GD-ĐT đưa ra khi điều chỉnh  HP (2006) là quá đột ngột. Để làm được điều này các nước trên thế giới dành hẳn 3-5 năm tăng  dần dần HP. Trong 3-5 năm ấy phải có một kế hoạch chi tiết cụ thể sao cho khi áp dụng không làm cho đời sống xã hội và đời sống GD bị đảo lộn”.

 

Điều thứ hai là mức tăng HP cũng quá cao: mức HP tối đa tăng lên 5 lần trong khi lương cơ bản và Học bổng của HS - SV cũng chỉ tăng 2,5 lần. Đó là chưa kể đến việc mục đích của việc tăng HP là nâng cao chất lượng GD sẽ bị phá sản nếu không tính đến hậu quả của nó: tăng HP sẽ làm cho nhiều SV có năng lực phải bỏ dở học hành giữa chừng vì không thể trang trải; điều này đồng nghĩa với sự thật trần trụi: mục đích xã hội hoá GD sẽ hỏng.

 

Hiện dư luận cũng đang theo dõi và đề nghị Bộ GD lắng nghe ý kiến của người dân khi có quyết định chính thức về việc điều chỉnh mức thu HP đem lại một kết quả tốt cho GD chứ không đẩy những SV nghèo ở nông thôn vào con đường cùng: Bỏ học ĐH  vì HP quá cao!

 

Theo Tiền Phong

Dòng sự kiện: Tăng học phí