Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng cao trước năm học mới
(Dân trí) - Sau thời gian nghỉ hè, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số dễ "quên" cách giao tiếp bằng tiếng Việt. Do đó, các điểm trường phải tổ chức lớp tăng cường tiếng Việt cho số học sinh sắp vào lớp 1.
Thời gian nghỉ hè, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thường sử dụng tiếng mẹ đẻ. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp, cũng như khó tiếp thu kiến thức khi bước vào lớp 1. Do đó, các huyện miền núi tại Quảng Ngãi phải tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho các em trước thời điểm khai giảng năm học mới.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Dung (huyện Sơn Tây) tập trung dạy tiếng Việt cho 81 trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Hầu hết học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo cô Nguyễn Như Vy, phần lớn trẻ em vùng cao vào lớp 1 khi chưa được tăng cường tiếng Việt đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Do đó, giáo viên chọn lọc những bài học phù hợp cho học sinh của địa phương. Từ đó giúp học sinh nghe, hiểu, biết trả lời những câu hỏi của giáo viên.
Ông Nguyễn Minh Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, cho biết kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ dịp hè được tổ chức trong khoảng 7 tuần. Khi đến lớp, các em sẽ được học nói những câu giao tiếp cơ bản, nhận diện được 29 chữ cái, 10 chữ số, biết cách cầm bút, ngồi học đúng tư thế, mạnh dạn trong giao tiếp.
Cùng với việc dạy học, giáo viên lồng ghép các hoạt động sinh hoạt tập thể, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trước khi vào lớp 1. Việc này giúp các em làm quen với nề nếp học tập ở cấp tiểu học.
"Đây là nhiệm vụ thường xuyên khi sắp bước vào năm học mới. Các lớp tăng cường tiếng Việt giúp học sinh dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1 làm quen với tiếng Việt. Quan trọng hơn là tạo cho các em sự tự tin trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô", ông Anh nói thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Thành, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học (Sở GD&ĐT Quảng Ngãi), thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi triển khai giai đoạn 1 của đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Hàng năm, ngành giáo dục các huyện vùng cao đều có kế hoạch và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Kết quả thực hiện cho thấy, tuy chưa thể đạt 100% trẻ đến lớp giao tiếp tốt bằng tiếng Việt nhưng khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ có nhiều tiến bộ. Việc này giúp các em hứng khởi, tự tin học tập, giao tiếp.
Trên cơ sở đó, ngành sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đề án. Mục tiêu đến năm 2025 có 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục Mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.