Tăng cường phòng, chống thiên tai trong trường học

(Dân trí) - Ngày 21/8, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng UNICEF tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác truyền thông, giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học năm 2014.

Hội nghị được tổ chức tại 2 điểm cầu: Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Vinh, Nghệ An.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại nằm gần 1 trong 5 ổ bão lớn của thế giới. Bão tố, lũ lụt hàng năm xảy ra thường xuyên ở hầu hết các vùng trong cả nước, gây những thiệt hại nặng nề cả về người và của cải vật chất. Hàng năm ngành giáo dục phải gánh chịu những tác hại không nhỏ do thiên tai gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động dạy và học của học sinh và giáo viên.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến ngày 21/8
Quang cảnh hội nghị trực tuyến ngày 21/8.

Chính vì thế, xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục; chủ động tăng cường quan hệ hợp tác với các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới là bước đi chiến lược của BGD-ĐT nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kĩ năng về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đến cán bộ, giáo viên, học sinh và sinh viên (chiếm trên 25% dân số Việt Nam), từng bước xây dựng hệ thống trường học an toàn.

Đặc biệt, làm tốt công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Giáo dục còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư trong cả nước, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng, ngành giáo dục đang triển khai thực hiện, cụ thể hóa Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ GD-ĐT đã ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020” và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015.

Các văn bản quan trọng này đã thể hiện sự cam kết và quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc lĩnh vực giáo dục.

“Công tác truyền thông, giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học không chỉ ở trên các phương tiện truyền thông; Đồng thời không chỉ trong các hoạt động chính khóa mà cả ở trong các hoạt động ngoại khóa trong trường học...” - Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại hội nghị trực tuyến này, nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các ban, ngành, địa phương về kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị trong triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong trường học và cộng đồng dân cư, ý kiến tham vấn của UNICEF trong lĩnh vực này để ngành giáo dục triển khai có hiệu quả...

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng yêu cầu sau hội nghị, các đơn vị liên quan triển khai những nội dung sau: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020” và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2015.

Thực hiện tốt các Đề án đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT, các địa phương thực hiện nghiêm túc các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đã được phân cấp trong Kế hoạch hành động của ngành đã để ra.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ hoàn thiện và ban hành khung kiến thức, tài liệu về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu các cấp học và trình độ đào tạo. Bên cạnh đó,tập huấn đội ngũ giáo viên về tích hợp giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cơ sở giáo dục; Triển khai xây dựng và tiến hành đánh giá tác động của giáo dục phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cơ sở giáo dục; xây dựng bài giảng điện tử E-learning về phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cấp học;

Hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro thiên tai ngành Giáo dục để tổ chức thu thập, xử lý thông tin nhằm lập kế hoạch ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tạo lập nguồn thông tin phục vụ công tác tham mưu với Chính phủ, BCĐ phòng, chống lụt bão T.Ư về công tác quản lý rủi ro thiên tai trong ngành Giáo dục;

Hoàn thành việc xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các nhà trường và cộng đồng.

Tổ chức nghiên cứu, thiết kế mô hình và xây dựng thí điểm mẫu trường/lớp học phòng, chống thiên tai tại một số khu vực đặc thù; Xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo nhu cầu xã hội; Tổ chức quỹ dự phòng trong công tác công tác phòng, chống thiên tai.

S.H