Tái tạo lại nền giáo dục cho một thời đại mới

(Dân trí) - Các hệ thống giáo dục trên thế giới đang làm con cái chúng ta thất bại do không chuẩn bị chúng cho môi trường làm việc của tương lai. Đây là phát hiện quan trọng của một báo cáo mới đây do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện với tên gọi Hiện thực hóa những tiềm năng của con người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Báo cáo này đưa ra một loạt các biện pháp thiết thực để kết hợp giáo dục và đào tạo với các yêu cầu của công việc trong tương lai.


Biểu đồ số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ, Toán) (Nguồn: Báo cáo Vốn Con người 2016 của Diễn đàn Kinh thế Thế Giới)

Biểu đồ số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ, Toán) (Nguồn: Báo cáo Vốn Con người 2016 của Diễn đàn Kinh thế Thế Giới)

Đào tạo những ngành nghề chưa có

Công nghệ và toàn cầu hoá tiếp tục thay đổi mô hình kinh doanh trong tất cả các ngành nghề và khu vực địa lý, tạo ra các loại công việc mới và loại bỏ những công việc cũ với tốc độ chóng mặt.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục và đào tạo cứng nhắc và thiếu thốn về tài chính trên khắp thế giới đã không đáp ứng được xu hướng này. Điều này có nghĩa là vào thời điểm rời ghế nhà trường, có đến hai phần ba số trẻ em nhập học các trường tiểu học hôm nay sẽ không có những kỹ năng cần thiết để có được việc làm. Tác động này sẽ còn tồi tệ hơn đối với phụ nữ, những người mà cơ hội kinh tế vốn đã ít hơn hai phần ba so với nam giới.

Báo cáo nói trên được xây dựng bởi một nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội, các cơ sở giáo dục và các nhà nghiên cứu. Báo cáo khuyến nghị rằng các chính phủ và khu vực tư nhân cần phải cùng nhau làm việc trong tám lĩnh vực chính để đảm bảo trẻ em trên thế giới được trang bị đầy đủ cho tương lai.

Tái tạo lại nền giáo dục cho một thời đại mới


Một giáo viên đang dạy bài học tiếng Hoa trong một trường học ở Namtit, lãnh thổ Wa ở đông bắc Miến Điện, ngày 30 tháng 11 năm 2016. Ảnh chụp ngày 30 tháng 11 năm 2016. REUTERS / Soe Zeya Tun

Một giáo viên đang dạy bài học tiếng Hoa trong một trường học ở Namtit, lãnh thổ Wa ở đông bắc Miến Điện, ngày 30 tháng 11 năm 2016. Ảnh chụp ngày 30 tháng 11 năm 2016. REUTERS / Soe Zeya Tun

1. Tập trung vào những năm đầu: Tái tạo lại nền giáo dục ngay từ tuổi ấu thơ của trẻ, trong đó trọng tâm là việc biết chữ và khả năng đọc. Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em phù hợp cho các bậc cha mẹ đang đi làm sẽ rất quan trọng đối với cả các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển.

2. Mở cửa thị trường giáo dục: Báo cáo ủng hộ việc áp dụng các sáng kiến đào tạo nhanh hơn, mở ra các tuyến học tập thay thế (như Hackathons - Các cuộc thi lập trình, ND) và cho phép thử nghiệm các kỹ thuật mới. Ví dụ: Sở Giáo dục thành phố New York đã tạo ra các trường học "Lab" ("Thực nghiệm", ND) và giao cho họ nhiệm vụ tái phát minh việc giảng dạy và học tập.

Tại Ghana, Hoa Kỳ và Pháp, các trường học đi tiên phong trong các khoá học ngắn về lập trình dựa trên việc giảng dạy theo kiểu đôi bạn, học qua game và học tập dựa trên dự án.

3. Đưa giáo viên ra khỏi tháp ngà: Để đưa giáo dục và kinh doanh gần nhau hơn, báo cáo nói trên khuyến nghị các sáng kiến như đưa giáo viên "đi thực tập" tại các doanh nghiệp, cầm tay chỉ việc tại nơi làm việc, và đưa khu vực tư nhân tham gia vào việc đào tạo giáo viên.

4. Tạo cho sinh viên cảm giác về thế giới thực của công việc: Tương tự, học viên sẽ trải nghiệm thế giới công việc ngay từ đầu - chẳng hạn như thực tập và dạy nghề trong khi làm việc - để giúp họ nhìn ra những lựa chọn nghề nghiệp đa dạng cùng những kỹ năng cần thiết.

5. Giải quyết vấn đề định kiến nghề nghiệp: Giáo dục dạy nghề và kỹ thuật là rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới nhưng đã bị bỏ rơi và thường bị coi như hàng thứ yếu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới chủ trương thúc đẩy những con đường tiến thân thông qua học nghề và kỹ thuật một cách chủ động hơn và nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo yêu cầu.

Chẳng hạn, hệ thống đào tạo nghề của Đức phân chia thời gian của học viên giữa giảng dạy trên lớp và đào tạo tại chỗ ở một công ty. Các học viên được trả lương và việc đào tạo thường kéo dài từ hai đến ba năm. Cách tiếp cận này không chỉ tạo ra một nguồn tài năng xuất sắc mà nó còn làm cho quá trình chuyển đổi từ giáo dục sang thế giới công việc, vốn là một quá trình khó khăn, trở nên dễ dàng.


Yamoussa Sylla, 22 tuổi, đến từ Guinea, chụp ảnh khi đang học nghề công nhân cơ khí tại Công ty WBG Blechverarbeitung GmbH ở Schwerte, Đức. Ảnh chụp ngày 5 tháng 10 năm 2015. Nguồn: REUTERS / Ina Fassbender

Yamoussa Sylla, 22 tuổi, đến từ Guinea, chụp ảnh khi đang học nghề công nhân cơ khí tại Công ty WBG Blechverarbeitung GmbH ở Schwerte, Đức. Ảnh chụp ngày 5 tháng 10 năm 2015. Nguồn: REUTERS / Ina Fassbender

6. Thông thạo kỹ thuật số: Các kỹ năng số sẽ là nền tảng của nhiều nghề nghiệp, nhưng "kỹ năng số" không phải là điều kiện bất biến. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung nhiều hơn vào ICT (Công nghệ Thông tin - Truyền thông, ND) trong đào tạo giáo viên và các vị trí làm việc của sinh viên để giải quyết cuộc khủng hoảng kỹ năng số ngày càng gia tăng.

Một ví dụ thành công xuất phát từ Ấn Độ, nơi Hiệp hội Quốc gia về Các Công ty và Dịch vụ Phần mềm (NASSCOM) đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và Chính phủ Ấn Độ để xây dựng các Trung tâm Quốc Gia Xóa mù về Kỹ thuật số trên toàn quốc để dạy các kỹ năng số.

7. Giáo dục, giáo dục và giáo dục: Do sự biến đổi nhanh chóng của thị trường việc làm, người lao động không còn chỉ dựa vào một kỹ năng hay một chuyên môn hẹp để duy trì sự nghiệp lâu dài. Báo cáo ủng hộ việc khuyến khích nhân viên cam kết học tập suốt đời để tiếp tục phát triển kỹ năng của họ hoặc thậm chí đào tạo lại cho những vai trò mới.

Chẳng hạn ở Singapore, mỗi cá nhân nhận được một khoản trợ cấp đào tạo hàng năm để có thể chi tiêu cho một loạt các khóa đào tạo hướng tới việc phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Trong tiến trình của nó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ biến đổi một cách cơ bản thế giới công việc chúng ta từng biết. Báo cáo cho thấy, trừ khi các hệ thống giáo dục cứng nhắc trên thế giới được cải cách và trở nên linh hoạt hơn, những thất bại của chúng sẽ quay trở lại để ám ảnh khả năng làm giàu của những thế hệ tương lai.

Trương Phan Việt Thắng
Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới