Tại sao sinh viên CNTT bị trượt khi phỏng vấn?

(Dân trí) -“Ứng viên ngành CNTT thường yếu về kỹ năng mềm trong phỏng vấn, không hiểu đúng và trả lời đúng vào câu hỏi của nhà tuyển dụng. Thiếu kỹ năng bộc lộ điểm mạnh, tiềm năng của mình gắn với yêu cầu nhà tuyển dụng, nhiều bạn bị trượt vì cách thể hiện chưa giải quyết mong muốn của nhà tuyển dụng”.

Đó là chia sẻ của ông Ngô Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vareco chia sẻ trong buổi tuyển dụng nhân lực ngành CNTT ngày 7/6 tại Hà Nội. Chương trình do Trung tâm Giới thiệu Việc làm ( T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), mạng tuyển dụng Cleverjob và Hệ thống đào tạo CNTT Quốc tế Bachkhoa-Aptech tổ chức. 

Ông Hà Văn Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm ( T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho biết: “Nhằm hỗ trợ thanh niên mới ra trường và chưa có việc làm, chúng tôi tổ chức tạo ra sân chơi và cơ hội giúp kiếm việc làm. Trước đây, các sàn việc làm chỉ tổ chức phỏng vấn luôn. Nhưng hôm nay, chúng tôi tổ chức riêng một buổi trao đổi kiến thức để cho các bạn trẻ ngành CNTT nắm được các yêu cầu, kỹ năng trong phỏng vấn tuyển dụng, sau đó mới vào dự tuyển”.

Chuyên gia đang tư vấn kỹ năng phỏng vấn cho sinh viên.
Đông đảo sinh viên ngành CNTT tới dự chương trình.

Dự buổi tuyển dụng, bạn Nguyễn Ngọc Toàn (24 tuổi, kỹ sư CNTT, Học viện Quản lý giáo dục) quan tâm tới vị trí Quản trị mạng. Từng đi dạy môn CNTT cho học sinh THCS, Toản quyết định “rẽ ngang” vì muốn tham gia môi trường năng động tại công ty chuyên về CNTT.

Ứng tuyển vào vị trí với mức lương kỳ vọng từ 5-7 triệu đồng/tháng, Toàn tâm sự: “Kỹ năng dự phỏng vấn và sử dụng ngoại ngữ là hai điều tôi lo nhất. Việc nắm rõ ý câu hỏi và trả lời ngắn gọn, đủ ý và thuyết phục được nhà tuyển dụng trong vài phút là điều khó với dân CNTT như tôi”.

Trong khi đó, bạn Hà Thị Quế, học viên năm cuối của Trung tâm đào tạo Bách khoa Aptech (Hà Nội) cho rằng tiếng Anh có thể là một rào cản cho ứng viên chưa tự tin. “Kiến thức chuyên môn không phải là rào cản lớn, điều em lo lắng là khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên môn. Để khắc phục điều này, em đã chuẩn bị ôn luyện trong các buổi học tiếng Anh” - Quế cho biết. Trong khi đó, nhiều bạn bè của Quế lại chọn cách dịch qua Google, làm nhiều rồi từ đó nâng dần kiến thức tự dịch.

Lý giải mục đích buổi chia sẻ kinh nghiệm trước khi thi, ông Ngô Minh Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Vareco nói: “Buổi nói chuyện sáng nay chính là dịp để bạn ứng viên ngành CNTT nhận diện ra cách trả lời tốt nhất trong tình huống phỏng vấn”.

Đánh giá nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT rất lớn, ông Tuấn nói: “Ngay trong buổi thi tuyển này, 15 doanh nghiệp cần tới 800 nhân sự cho nhiều vị trí như nhân viên kiểm thử, lập trình viên, thiết kế website… nhưng số ứng viên tham gia chỉ 600 - 800 người!”.

Trước câu hỏi tại sao số lượng ứng viên ngành CNTT vẫn thất nghiệp nhiều, ông Tuấn cho rằng vấn đề chính ở khoảng cách lớn giữa nhà đào tạo và doanh nghiệp: “Trong ngành CNTT có hàng trăm nghề. Vậy nhà trường cần định hướng xem cụ thể trong nghề lập trình, học sinh sẽ làm nhân viên kiểm thử, lập trình viên hay chỉ biết để kinh doanh phần mềm. Nếu không có định hướng cụ thể, học sinh cứ học mọi thứ nhưng lại không làm được gì cả”. 

Đông đảo sinh viên ngành CNTT tới dự chương trình.
 Chuyên gia đang tư vấn kỹ năng phỏng vấn cho sinh viên.
 
Tại buổi tuyển dụng, bà Vũ Thị Thanh Huyền, trưởng ban tuyển dụng công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đại Việt cho biết công ty cần tuyển 20 kỹ sư CNTT phục vụ dự án phần mềm. Mức lương khởi điểm từ 300 - 1.000 USD/tháng cho công việc làm SEO.

“Công ty không quan tâm về bằng cấp ĐH, CĐ hoặc trường nghề. Ứng viên chỉ cần có tố chất sáng tạo và ý tưởng, am hiểu các phần mềm lập trình. Tuy nhiên, việc đáp ứng cũng không đơn giản” - bà Huyền cho biết.

Nhận xét về nhu cầu tuyển nhân lực CNTT, bà Huyền cho rằng tình trạng khan hiếm về nhân lực CNTT đáp ứng các dự án ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, vấn đề ý thức làm việc đang là điều đáng báo động. Bà Huyền nói: “Có những ngày mưa gió, tôi là quản lý còn phải đi làm nhưng có bạn đã gọi điện thoại báo nghỉ vì ngại phải đi lại!”.

Hoàng Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm