Tại sao hồ sơ thi ĐH, CĐ 2014 giảm mạnh?
(Dân trí) - Lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay giảm mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, số lượng giảm này là giảm hồ sơ “ảo”, thí sinh hiện nay đã thực tế hơn, một số địa phương đã tư vấn hướng nghiệp rõ ràng cho các em ngay từ đầu cấp học.
Nhận định về xu hướng giảm mạnh hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay, đại diện nhiều Sở GD- ĐT đều cho rằng, do công tác phân luồng, định hướng tư vấn hướng nghiệp đã được các trường phổ thông làm khá tốt; thí sinh đã không còn tâm lý bằng mọi giá phải thi đại học, do đó các em đã chọn con đường học cao đẳng hoặc trung cấp nghề.
Bên cạnh đó, việc hồ sơ giảm mạnh là một tín hiệu tích cực, như vậy hồ sơ “ảo” cũng sẽ giảm, sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng thuận lợi khi xử lý dữ liệu, thuê phòng thi và cũng đỡ phải bù lỗ do phải đầu tư cả chi phí cho những suất thi “ảo”.
Trước tình hình hồ sơ giảm, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo nhiều trường đại học cho rằng, do các em đã được tư vấn và bị “loại” từ vòng “gửi xe” ngay từ đầu cấp học. Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tình trạng giảm hồ sơ này chứng tỏ thí sinh đã định hướng tốt nghề nghiệp của mình, thi vào trường đúng với năng lực của mình chứ không thi “chơi” và phiêu liêu như mọi năm nữa”.
Khu vực phía Bắc, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang là 2 đơn vị điển hình về việc thực hiện phân luồng học sinh tốt nên số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năm nay giảm mạnh.
Học sinh đã dần ý thức được việc nộp hồ sơ ĐKDT thi đại học, cao đẳng.
Thi thử ĐH, CĐ và mời chuyên gia tư vấn
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Bắc Giang, số lượng hồ sơ thi ĐH, CĐ của tỉnh 5 năm trở lại đây liên tục giảm, nếu năm 2009 - 2010 số lượng hồ sơ của toàn tỉnh là hơn 45.000 thì đến năm 2013 - 2014 giảm xuống chỉ còn trên 25.000 bộ. Số học sinh tốt nghiệp THPT không tham gia dự thi ĐH, CĐ mà chuyển sang học Trung cấp nghề, TCCN hoặc đi làm sau đó học theo con đường vừa học vừa làm ngày càng tăng. Hàng năm, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 2.500 đến 3.000 học sinh tốt nghiệp THPT đi học TCCN, Trung cấp nghề và khoảng trên 4000 học sinh tốt nghiệp THPT đi làm tại các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết: “Để thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các địa phương, các ngành, các cấp, các phụ huynh và học sinh có nhận thức đầy đủ và sự cần thiết của việc phân luồng học sinh. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông báo kết quả học tập, rèn luyện của con em học, đồng thời tư vấn việc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng của từng học sinh. Ngoài việc, tư vấn cho học sinh lớp 12 các trường THPT, các Trung tâm GDTX-DN về thi tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề. Mời chuyên gia các bộ ngành về tư vấn nghề nghiệp cho học sinh toàn tỉnh để có những nhận thức đúng đắn về việc lựa chọn con đường học tập và ngành nghề phù hợp với từng học sinh”.
Không chỉ vậy, ở các trường THCS và THPT tỉnh Bắc Giang còn thường xuyên tổ chức các đợt thi thử vào THPT và ĐH, CĐ cho học sinh, căn cứ vào kết quả thi thử để phân loại học sinh, có kế hoạch bồi dưỡng những học sinh yếu. Đồng thời tư vấn cho các em và phụ huynh các em biết về khả năng học tập của mình để xác định có khả năng tư vấn cho các học sinh và phụ huynh biết về năng lực học tập của mình để xác định có khả năng thi vào THPT hoặc ĐH, CĐ hay không. Trên cơ sở đó nhà trường tư vấn cho học sinh và các bậc phụ huynh nên chọn cho con em mình một con đường học tập phù hợp nhưng hiệu quả tốt đó là học TCCN hoặc học nghề.
Đặc biệt, Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực thường xuyên đến các doanh nghiệp, công ty khảo sát, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động theo từng ngành nghề đào tạo với số lượng cụ thể, thông báo cho các cơ sở đào tạo để các cơ sở này có kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng dự báo khả năng sử dụng lao động của các doanh nghiệp, công ty trong những năm tiếp theo để các cơ sở đào tạo có kế hoạch.
Khảo sát phân loại học sinh để tư vấn thi đại học
Để thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, THPT, Sở GD-ĐT Bắc Ninh đã tạo cho các em học sinh có ước mơ hoài bão là thi đỗ được vào các trường đại học. Cùng đó, thực hiện phân loại đối tượng chính các theo năng lực học tập như chia ra 3 tốp trường, các trường chất lượng cao, các trường trung bình và khá, các trường tư thục.
Sau đó, hướng dẫn học sinh học theo chương trình chuẩn nhưng xếp lớp theo định hướng khối thi đại học. Trong từng khối thi lại được chia ra các đối tượng có trình độ tương đương. Sau đó tổ chức dạy học theo hình thức 2 buổi/ngày hoặc dạy thêm học thêm tại trường. Kiểm tra khảo sát phân loại các em từ đầu năm và hàng tháng theo các nội dung bồi dưỡng ôn tập và đề thi ĐH,CĐ của Bộ GD-ĐT, kiểm tra riêng ở từng trường và tổ chức kiểm tra, thi thử trên phạm vi toàn tỉnh do Sở GD-ĐT chỉ đạo và đánh giá.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Ninh cho biết: “Khi tổ chức kiểm tra như vậy, chúng tôi rất chú ý tới 2 đối tượng, một là học sinh giỏi được tổ chức thành lớp riêng để dạy theo chương trình đào tạo các em đoạt thủ khoa, học sinh điểm điểm cao trên 27 điểm; hai là các em lực học trung bình cần cố gắng để đạt điểm sàn ĐH, CĐ”.
Về công tác tư vấn mùa thi, Sở GD-ĐT Bắc Ninh họp lãnh đạo trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy ôn tập và buồi dưỡng theo nội dung thi ĐH, CĐ, phụ huynh học sinh để tư vấn chọn trường thi, chọn ngành thi. Ngoài ra, các trường có danh sách của từng lớp phản ánh trình độ và năng lực thực tế của từng em, chia theo các tốp như các em đăng ký thi ĐH,CĐ và chia thành các tốp trường như trường điểm cao, các trường điểm trung bình và các trường điểm sàn. Các em không thi đại học mà làm hồ sơ thi vào các trường CĐ. Các em không thi ĐH, CĐ và đi học TCCN hoặc các trường nghề.