Tại sao ĐH Hoa Sen tổ chức kỷ niệm 200 năm thành lập ĐH Humboldt và mở trang website

Thông qua việc kỷ niệm 200 năm Đại học Humboldt và tinh thần khai sáng của đại học hiện đại, chúng tôi muốn đặt lại vấn đề về chức năng nghiên cứu, sáng tạo và trách nhiệm xã hội của đại học.

Chúng ta có chịu học cho tử tế?

Tại sao ĐH Hoa Sen tổ chức kỷ niệm 200 năm thành lập ĐH Humboldt và mở trang website - 1

Khi chúng tôi bắt đầu đợt hoạt động kỷ niệm nầy, nhiều thành viên của Đại học Hoa Sen còn chưa biết “ông người Đức” không có tên đường ở Việt Nam, chưa biết gì về việc trường Đại học Berlin thành lập năm 1810 đã chính thức mang tên Humboldt năm 1949 để ghi nhớ công ơn khẳng định tinh thần khai sáng. Chắc trường chúng tôi không là ngoại lệ trong cộng đồng đại học Việt Nam, trong công chúng Việt Nam mà sự quan tâm tới đại học rộng rãi tới nỗi kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nào cũng là sự kiện lớn của nhà nước, ngành giáo dục, giới truyền thông và dân chúng, nhưng cái đích thực là tinh thần đại học, là triết lý giáo dục phù hợp với thời hiện đại lại rất mông lung.
 
Đó là lý do đầu tiên, rất bình thường, giản dị, giải thích việc mở trang Web hu200.hoasen.edu.vn. Tổ chức kỷ niệm trước hết là để học cho biết, để nhớ ơn và suy ngẫm. Như con cháu làm đám giỗ ông bà, cha mẹ; như người làm nghề định kỳ thắp nén nhang giỗ tổ nghề. Làm đám giỗ mà không thành tâm tưởng nhớ tiền nhân, không tự khẳng định một tâm nguyện sống làm sao bây giờ cho khỏi tủi hổ người đi trước, thì cỗ bàn chỉ là hủ tục. Trung thành với triết lý “chất lượng thật”, Đại học Hoa Sen trước hết muốn kỷ niệm có thực chất.
 
Mục đích thứ nhứt, vì vậy, là nhân dịp nầy, quảng bá sâu rộng hơn trong cộng đồng những hiểu biết về cội nguồn của đại học hiện đại, mà ngày nay, dù thuộc quốc gia nào, trường đại học cũng phải coi là nguồn cội của mình. Mục đích là học, học chủ yếu thông qua tự học.
 
Học để biết, để hiểu, nhưng không phải chỉ để “thuộc lòng” sự kiện, năm tháng rồi “trổ tài” như trong nhiều cuộc “đố vui có thưởng”, rốt cuộc không có vui, chỉ có thưởng nên dễ biến thành cờ bạc ăn may. Chúng tôi để trên Website nầy những tư liệu do GS. Nguyễn Xuân Xanh tổng hợp (http://hu200.hoasen.edu.vn/index.php/gioi-thieu/i-hc-humboldt-200-nm-gs-nguyn-xuan-xanh.html), hoặc giảng viên, nhân viên và sinh viên trường Hoa Sen sưu tầm, để giúp độc giả hiểu thêm về tư tưởng và những đóng góp của hai anh em Wilhelm và Alexander von Humboldt cho giáo dục và khoa học, về lịch sử phát triển của đại học hiện đại. Chúng tôi cũng sẽ để nhiều bài viết đa dạng, đa chiều về giáo dục đại học thế giới và Việt Nam. Mong muốn là cung cấp chất liệu cho độc giả suy nghĩ. Học cho tử tế không thể không tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, không thể không suy nghĩ.
 
Kế thừa và phát triển

Tại sao ĐH Hoa Sen tổ chức kỷ niệm 200 năm thành lập ĐH Humboldt và mở trang website - 2

Với quan niệm cách kế thừa tốt nhứt là đổi mới và phát triển, chúng tôi cũng muốn nhân cơ hội nầy cùng quý độc giả và thân hữu suy nghĩ về hướng phát triển của giáo dục đại học nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng.
 
Năm 2009, Đại học Hoa Sen tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Giáo dục đại học nào cho Việt Nam thế kỷ 21?” Hội thảo nầy tiếp theo hai Hội thảo khác đã được tổ chức năm 2008 với chủ đề “Tính chủ động của tư duy. Phương pháp và tinh thần đại học” và “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ”.
 
Sau Hội thảo thứ nhứt, trường thành lập Bộ môn Phương pháp & Kỹ năng với các môn học bắt buộc đối với sinh viên tất cả các ngành, trong đó có những môn như Phương pháp nghiên cứu khoa học, Phương pháp học tập đại học, Tư duy phản biện, và từ 2009, có thêm môn Giới và phát triển.
 
Sau Hội thảo thứ hai, kế thừa truyền thống Đông Kinh nghĩa thục, Ban Tu thư Đại học Hoa Sen ra đời, đến nay đã xuất bản được 6 đầu sách với 2.400 trang in. Sau Hội thảo thứ ba và sau một năm chuẩn bị, Đại học Hoa Sen đã công bố chiến lược phát triển 2010-2020. Các nhóm nghiên cứu xuyên quốc gia đã hình thành. Bản tin khoa học Giáo dục Quốc tế và So sánh đã phát hành mỗi tháng một lần. Bản tin khoa học Giới và Xã hội chuẩn bị ra mắt, sẽ phát hành mỗi quý. Hoạt động nghiên cứu ở Đại học Hoa Sen đã khởi động trên nền tảng khá vững chắc về phương pháp luận khoa học, tranh thủ được sự tham gia của các nhà khoa học từ nhiều nước, trong tinh thần tự do học thuật, với đầy đủ ý thức trách nhiệm công dân đối với cộng đồng.
 
Thông qua việc kỷ niệm 200 năm Đại học Humboldt và tinh thần khai sáng của đại học hiện đại, chúng tôi muốn đặt lại vấn đề về chức năng nghiên cứu, sáng tạo và trách nhiệm xã hội của đại học.
 
Nghiên cứu, sáng tạo không phải là chức năng “đặc quyền” của đại học tinh hoa, mà là bản chất khiến một trường đại học thực sự là đại học. Thực hiện chức năng nầy là thách thức lớn đối với nước nghèo, nước nhỏ, càng là thách thức trong điều kiện đại học tư thục của các nước nầy không sử dụng ngân sách nhà nước, mà cũng rất ít cơ may nhận được tài trợ từ nhà hảo tâm hay doanh nghiệp. Nhưng không thể vì vậy mà giản lược kết luận chức năng nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp tri thức mới cho khoa học, cho xã hội chỉ có thể thực hiện tử tế tại đại học công lập dồi dào tài nguyên hơn. Bởi quan trọng hơn tài nguyên – dù là con người, cơ sở vật chất, thiết bị hay tiền bạc - là tinh thần đại học.Là tri thức, trình độ đội ngũ, sự kết nối với cộng đồng khoa học toàn cầu. Còn là bản lĩnh của từng cá nhân nhà khoa học, nhà giáo dục. Bất cập về trình độ, về khả năng kết nối, về bản lĩnh thì dù thành tâm, thiện chí hay được đầu tư bao nhiêu tiền bạc cũng khó cất nổi một bước đi, hay rồi không khỏi nhanh chóng “đuối hơi” trên con đường không ngừng đi tìm chân lý và không cho phép mình khuất phục cái gì ngoài khoa học và lẽ sống còn của con người.
 
Tự vấn về bản chất đại học và vai trò, nhiệm vụ của nó, mặt khác, không thể chỉ thờ lạy quá khứ mà không tính đến hiện tại, tương lai. Toàn cầu hóa và sự phát triển khoa học-công nghệ đặt ra những vấn đề gì cho giáo dục đại học?
 
Đại chúng hóa giáo dục đại học có nhứt thiết kéo theo như định mạng sự giảm sút, hy sinh chất lượng, sự thương mại hóa không chỉ giáo dục mà cả nhiều giá trị cơ bản khác? Hay ngược lại, chính thị trường man rợ, thiếu tri thức, thiếu đạo lý, thiếu khuôn khổ pháp luật có hiệu lực thi hành mới là thủ phạm gây rối nhiễu trầm trọng, kéo dài? Số đông người hiếu học là có tội hay thủ phạm là sự bất cập trong quản lý nhà nước, là sự mua gian bán lận, lợi dụng khát vọng tri thức của công chúng?
 
Đại học của thế kỷ 21 có thể tiếp tục là tháp ngà, tháp càng cao thì trông được càng xa? Và có còn chăng giá trị nhân bản, chức năng giảm thiểu bất công xã hội của giáo dục, nếu nhà khoa học nhân danh tự do để chỉ hướng về cái cao xa, sang trọng của học thuật mà quay lưng với thực tế đói nghèo của đồng bào, đồng loại, kể cả đói nghèo tri thức và văn hóa, không làm được gì để đóng góp phần mình làm thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt hơn cho số đông? Nhứt là nền giáo dục sau phổ thông của nước nghèo, lạc hậu có thể nào chỉ mải mê đeo đuổi mô hình hoa tiêu “lý tưởng” mà bỏ qua những bài toán thiết thực của quá trình vừa chật vật thoát nghèo (không chỉ về tiền bạc!), vừa tính đến khát vọng “học để đổi đời” của số đông, tính đến công ăn việc làm của người dân, nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp lại vừa bảo đảm tính chất đỉnh cao “tri thức, tư duy” vốn là cốt lõi của tinh thần đại học?
 
Chủ trương phân tầng đại học có phần trách nhiệm nào không trong việc cho ra đời hàng loạt trường cao đẳng, đại học “địa phương” tuột xa dưới chuẩn, như một thứ bánh vẽ tàn nhẫn với người nghèo? Mà giả dụ có gồng mình “bao cấp” nổi đại học công, có thực hiện được “phân tầng” hay phân biệt “tinh hoa/đại chúng” ít nhiều nghiêm chỉnh đi chăng nữa - như hệ thống “trường lớn” (grandes écoles) của Pháp so với đại học “thường” - người ta cũng phải tự vấn sâu xa không chỉ về sự tái sản xuất bất công thông qua hệ thống giáo dục (là trăn trở đã lâu mà chưa có giải pháp, ngay tại quê hương cách mạng nhân quyền) mà còn về tính thích ứng của phương thức đào tạo quá thiên về chiều rộng mà thiếu mũi nhọn cần thiết, thiếu rèn luyện khả năng thích nghi với công việc thực tế, ứng biến với đổi thay, sống và làm việc hiệu quả với người khác.
 
Đại học nào trong thời đại mới? Đại học nào cho Việt Nam? Chống chọi, ngóc đầu lên như thế nào trong lặn hụp triền miên của giáo dục nước nhà với toàn cảnh đan xen sáng tối mà người làm giáo dục lương thiện chưa bao giờ phải đương đầu với áp lực đến từ nhiều phía như bây giờ, với nhiều câu hỏi không có chỗ cho giải đáp giản lược, một chiều, dễ dãi rập khuôn, dù khuôn cũ Á Đông hay khuôn của “cường quốc đại học” nào? Hiểu và làm giáo dục đại học như thế nào trong bối cảnh châu Á đang trỗi dậy với mãnh liệt một khát vọng “bằng người”, một hoài bão thoát khỏi di chứng hậu thực dân lấy Âu Mỹ làm trung tâm, một quyết tâm của “người học trưởng thành” trở lại đóng góp xứng đáng vào học thuật và văn hóa nhân loại? Trong bối cảnh ở ngay cái nôi của đại học hiện đại là Âu, Mỹ cũng như ở nhiều quốc gia giàu, nghèo, lớn, nhỏ khác nhau, người ta cũng đang trăn trở tìm tòi đổi mới, đang bất an hơn bất cứ lúc nào, mà cũng đang cạnh tranh quyết liệt hơn bất cứ lúc nào? Không chỉ vì tự thân sứ mạng của giáo dục đại học, mà còn vì lẽ sống của nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ, vì bảo vệ tính nhân bản của xã hội đang đổi thay chóng mặt.
 
Tinh thần Humboldt, tinh thần đại học, chốt lại, phải chăng vẫn là sự tự vấn đầy trách nhiệm và không có điểm dừng ấy của người trí thức?
 
Với mục tiêu học hỏi, với mong muốn kế thừa và phát triển, đợt hoạt động kỷ niệm 200 năm Đại học Humboldt của Đại học Hoa Sen sẽ sử dụng trang Web nầy như một nơi chia sẻ thông tin, tư liệu, một diễn đàn thảo luận, suy nghĩ và hành động dành cho mọi người quan tâm đến giáo dục đại học và sự phát triển của đất nước, của các giá trị nhân bản. Chúng tôi rất mong muốn được cộng đồng tham gia và hưởng ứng.
 
Theo TS Bùi Trân Phượng - Hiệu Trưởng Đại học Hoa Sen
 
Mời tham dự cuộc thi viết
 
Để có được một nền giáo dục tiên tiến theo mô hình của ĐH Humboldt, những con người trẻ tuổi sẽ mong muốn gì khi bước chân vào giảng đường ĐH? Đây cũng chính là chủ đề chính của cuộc thi viết "Tôi mong đợi gì ở các trường ĐH?" do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức nhân dịp kỷ niệm 200 năm ra đời trường ĐH Humboldt trong thời gian từ ngày 15-10  đến 5-12. Cuộc thi này dành cho đông đảo độc giả quan tâm đến việc xây dựng một môi trường giáo dục hiện đại, dành cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời khắc hội nhập nhiều thử thách và cơ hội như hiện nay.
 
Thông tin chi tiết của cuộc thi được đăng tải trên webisite http://hu200.hoasen.edu.vn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm