Tại sao có rất ít sinh viên Nhật Bản ở Harvard?

Hiện có tới 39 sinh viên Hàn Quốc đang theo học tại Đại học Harvard, trong khi chỉ có 5 sinh viên người Nhật (không tính người nhập cư). Tại sao lại có ít người Nhật theo học tại Harvard và các trường hàng đầu khác của Mỹ đến thế?

Tại sao có rất ít sinh viên Nhật Bản ở Harvard? - 1


Lý do đến từ trường học       

 

Đó là sự thất bại của quá trình quốc tế hóa của nước Nhật. Giáo dục phổ thông Nhật Bản khiến cho cả những học sinh ưu tú nhất cũng khó cạnh tranh được một suất vào trường nổi tiếng ở Mỹ. Tiếng Anh không được coi trọng ở Nhật.

 

Vì thế, thậm chí những học sinh giỏi nhất ở Nhật cũng không đủ trình độ tiếng Anh để theo học ở một trường đại học Mỹ. Trường học không khuyến khích thảo luận cũng là một lý do khiến học sinh Nhật Bản rất khó tìm kiếm cơ hội nhập học ở Mỹ.

 

Không giống như những trường trung học tốt nhất ở Mỹ, các trường phổ thông Nhật Bản không đòi hỏi học sinh phải viết những bài luận yêu cầu các kỹ năng nghiên cứu và phân tích. Vì thế, học sinh Nhật Bản cũng yếu trong kỹ năng thể hiện ý kiến của mình.

 

Cuối cùng, các trường phổ thông Nhật Bản thiếu sự linh hoạt như các trường ở Mỹ, khiến các học sinh có năng khiếu không có cơ hội nổi bật lên các bạn cùng lứa. Học sinh Nhật Bản không được khuyến khích theo đuổi các đam mê ngoại khóa - cho dù là viết văn, khoa học, kinh doanh hay nghệ thuật.

 

 Lý do đến từ thị trường việc làm

 

Sinh viên Nhật Bản cũng không được coi trọng khi có bằng giáo dục Mỹ. Ở Hàn Quốc, công luận cho rằng những trường đại học hàng đầu của Mỹ tốt hơn của Hàn Quốc. Vì thế, những sinh viên Hàn Quốc khi trở về nước với những tấm bằng cử nhân từ các trường danh giá của Mỹ được đón nhận nồng nhiệt.

 

Trong khi đó ở Nhật Bản, những sinh viên như vậy chỉ được chào đón bởi các công ty nước ngoài (một phần nhỏ bé trong thị trường lao động Nhật) chứ không phải bởi các tổ chức của Nhật.  

 

Những ông chủ Nhật lo ngại rằng những sinh viên được đào tạo ở nước ngoài sẽ không quen với phong cách khá bảo thủ trong các tổ chức Nhật. Hơn thế nữa, những sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học hàng đầu Nhật Bản - những người đang quản lý các doanh nghiệp tại đây - biết rằng khi lựa chọn những người trẻ vừa tốt nghiệp từ Mỹ về, họ có xu hướng “cách của ông (Nhật) không tốt như cách của tôi (Mỹ)”.

 

Vì thế, một cách logic, nhiều học sinh Nhật Bản không muốn xin học ở những trường đại học nước ngoài.

 

Trong khi phần còn lại của châu Á đang ngày càng hội nhập với thế giới trong lĩnh vực trao đổi ý tưởng và giáo dục thì Nhật Bản vẫn là một quốc đảo biệt lập, theo đúng nghĩa đen của từ này.

 

Nếu hệ thống giáo dục và kinh doanh Nhật Bản không nhận thức cần phải thay đổi tư duy, e rằng Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển thời gian tới.

 

Theo Nguyễn Long

Sinh Viên Việt Nam/Japan Times