Bạn đọc viết:

Tại sao các trường cứ phải ngầm duy trì lớp chọn?

(Dân trí) - Đọc bài viết “Giáo viên lên tiếng: Còn lớp chọn, còn bất công”, tôi thật sự hiểu và đồng cảm về nỗi niềm của các thầy cô khi trường mình duy trì lớp chọn. Khi có lớp chọn, chắc chắn sẽ có sự bất công.

Thế nhưng, vì nhiều lí do, các trường phổ thông vẫn buộc phải duy trì lớp chọn. 

Thực tế, trong công văn số 2449, ngày 27/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ rằng: "Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở dưới bất kì hình thức nào". Quy định là vậy, nhưng các trường học phổ thông bây giờ vẫn cứ âm thầm làm theo nhiều cách khác nhau, miễn sao lựa ra được một lớp mũi nhọn hay còn gọi đấy là lớp chọn.

Thông thường, đầu năm học, một số trường cấp 2 thường tổ chức thi tiếng Anh thí điểm cho học sinh lớp 6. Các em ôn tập khoảng một tháng hè, sau đó thi theo đề của Sở GD&ĐT rất gắt gao. Như vậy, đương nhiên những em đậu thường là những em ưu tú nhất, xuất sắc nhất. Riêng những trường không tổ chức thi kiểu này thì ban giám hiệu thường xem xét học bạ. Thế là bao nhiêu học sinh giỏi đều gom vào một lớp và sẽ ngầm hiểu đó chính là lớp chọn của khối.

Thực tế, năm nào giáo viên cũng phản đối gay gắt việc thành lập lớp chọn. Lí do là có lớp chọn sẽ tạo sự bất cập trong cách phân chia học sinh. Ai chẳng muốn được dạy và chủ nhiệm ở lớp chọn. Những lớp còn lại, mọi người thường tìm cách từ chối và né tránh. Cuối cùng, ban giám hiệu thường phải tổ chức bốc thăm để cho công bằng nhất.

Ai đã từng dạy ở lớp chọn và lớp đại trà thì sẽ thấy rõ sự khác biệt. Ở lớp chọn, các em thường học rất sôi nổi và hào hứng. Thầy cô cũng thường vận dụng nhiều phương pháp tích cực hơn trong dạy học. Riêng những lớp đại trà thì thật sự là chán nản. Các em thường nói chuyện và uể oải trong tiếp thu bài học. Cuối cùng là lòng nhiệt huyết của thầy cô bị bào mòn dần. Các em đã yếu, nay lại càng yếu hơn nữa.

Nhiều bất cập như thế, nhưng các trường học vẫn phải duy trì lớp chọn vì nhiều lí do sau.

Thứ nhất, lớp chọn chính là nơi nuôi dưỡng nguồn học sinh giỏi. Các em sẽ là người đại diện cho trường để "mang chuông đi đánh xứ người". Thành tích của các em cũng chính là thành tích chung của cả tập thể nhà trường. Phân loại sức học như thế cũng chính là một cách để đào tạo nhân tài.

Thứ hai, mong mỏi của rất nhiều phụ huynh có con học giỏi là được học ở lớp chọn của trường. Thành thử, các trường muốn giữ chân các em thì buộc phải duy trì được lớp chọn.

Cậu bạn học của tôi, hiện là hiệu trưởng một trường cấp 2 từng tâm sự rằng: "Thực tế, các trường học chẳng ai muốn lập lớp chọn đâu. Thế nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn phải ngầm duy trì. Lí do thì ai cũng biết là lớp chọn mới có sự ganh đua nhau mạnh mẽ trong học tập. Thầy cô giảng dạy cũng dễ dàng nâng cao, mở rộng kiến thức thêm cho các em hơn. Chính các em sẽ là người tạo nên thương hiệu cho ngôi trường. Vì vậy mà buộc chúng tôi vẫn phải duy trì lớp chọn cho bằng được là thế đấy".

Biết là không tốt mà vẫn phải làm, biết là bất công nhưng vẫn cố gắng phải thành lập và duy trì lớp chọn.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm