Tài năng trẻ 8X: Dấn thân vào niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Vì niềm đam mê, nhà khoa học trẻ Lê Thị Lan Phương đã có những ý tưởng độc đáo và dám thực hiện những công trình nghiên cứu khó khăn…

Nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ niềm đam mê và cần được tôi luyện, thử thách cùng thời gian. Nếu ai biết nuôi dưỡng niềm đam mê thì người đó sẽ chiến thắng và chinh phục được những đỉnh cao của tri thức nhân loại. Đó là tâm niệm và khát khao của biết bao tài năng trẻ, trong đó có Thạc sĩ, Dược sĩ Lê Thị Lan Phương, khoa Y học cổ truyền, trường ĐH Y Dược TP HCM. Chị là một trong những gương mặt trẻ thuộc thế hệ “8X” vừa đạt giải Nhất giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” năm 2014 với công trình nghiên cứu tác dụng hạ cholesterol máu và bảo vệ gan của bột sấy phun từ đài hoa Bụp giấm.

Sinh năm 1986, tốt nghiệp ĐH ngành Dược năm 2009, tính đến nay, nhà khoa học trẻ Lê Thị Lan Phương đã nghiệm thu 3 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài cấp thành phố, công bố 10 bài báo khoa học. Về tác dụng của đài hoa Bụp giấm, Lan Phương đã có 4 công bố bài báo, trong đó có 1 bài được công bố tại hội nghị Global Alcohol Policy Conference 2013 tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc năm 2013.

Nhà khoa học trẻ Lê Thị Lan Phương soi vi phẫu thực vật trong nghiên cứu
Nhà khoa học trẻ Lê Thị Lan Phương soi vi phẫu thực vật trong nghiên cứu.

Từ ý tưởng đến dám thực hiện đề tài khó

Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc đang được sử dụng để điều trị rối loạn lipid máu như nhóm statin, fibrat, niacin… nhưng nhược điểm của các loại thuốc này là ảnh hưởng đến chức năng gan khi bệnh nhân sử dụng trong một thời gian dài. Bụp giấm là một dược liệu thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam và đã được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP tại Bình Thuận, Ninh Thuận... Tuy nhiên, chủ yếu loại dược liệu này đang được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu hoặc sử dụng trong nước dưới dạng trà như một thực phẩm chức năng. Trong khi đó, một số nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, đài hoa Bụp giấm có tác dụng điều hòa lipid máu, hạ huyết áp, chống oxy hóa...

Qua những công trình nghiên cứu trên thế giới, nhà khoa học trẻ Lan Phương cho rằng, đài hoa Bụp giấm không chỉ có tác dụng điều hòa lipid máu mà còn bảo vệ chức năng gan. Thế là từ năm 2010, chị và nhóm nghiên cứu đã mầy mò tìm kiếm tư liệu về Bụp giấm và các mô hình bệnh lý liên quan nhằm hướng đến mục tiêu nghiên cứu ra dạng thuốc hoặc có thể kết hợp với phác đồ khám chữa bệnh của Tây Y để điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn lipid máu kèm theo suy giảm chức năng gan.

Từ ý tưởng trên, Lan Phương đã đề xuất công trình nghiên cứu tác dụng hạ cholesterol máu và bảo vệ gan của bột sấy phun từ đài hoa bụp giấm lên Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM trong chương trình “Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ” xem xét để tiến hành thực hiện.

Trong đề tài nghiên cứu của mình, Thạc sĩ Lan Phương đã chứng minh được bột sấy phun đài hoa Bụp giấm (BSP) có tác dụng hạ cholesterol trên chuột nhắt tăng lipid máu nội sinh và ngoại sinh; tác dụng bảo vệ gan trên 2 mô hình gây tổn thương gan bằng Ethanol và Acetaminophen. Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, BSP có tác dụng làm giảm cả LDL và Triglycerid máu. Điều này có ý nghĩa rất cao trên lâm sàng.

Cũng như nhiều nhà khoa học trẻ khác, sau khi tốt nghiệp ĐH, Lan Phương được ĐH Y Dược TP HCM mời ở lại trường để giảng dạy. Để có được những công trình nghiên cứu khoa học thành công, chị đã phải rất nỗ lực và sắp xếp thời gian một cách khoa học để vừa hoàn tất công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở trường vừa theo học chương trình sau ĐH và các hoạt động đào tạo, đoàn thể khác.

Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu tác dụng hạ cholesterol máu và bảo vệ gan của bột sấy phun từ đài hoa Bụp giấm, đối với nhà khoa học trẻ như Lan Phương đã gặp phải không ít khó khăn như việc xây dựng mô hình nghiên cứu trên động vật thử nghiệm tại Việt Nam khác biệt so với các công bố trên thế giới; điều kiện thí nghiệm không ổn định nên liên tục phải lặp lại các công đoạn thí nghiệm, thay đổi tiêu chí, chỉ tiêu để có được mô hình đáng tin cậy, có thể áp dụng trong thực tế. Đôi khi, để thực hiện thành công mô hình, chị phải làm thí nghiệm vào buổi tối nên việc sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để vừa giảng dạy, nâng cao kiến thức và tham gia các hoạt động khác của trường không phải dễ dàng.

Khả năng ngoại ngữ cũng là một rào cản, khi mới tiếp xúc với các tài liệu nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh, Lan Phương phải mất nhiều thời gian để tìm cách đọc hiểu sao cho hiệu quả nhất và phải liên tục tự trau dồi kiến thức để đáp ứng với yêu cầu của công việc. Đặc biệt, đối với các nhà nghiên cứu khoa học tại Việt Nam hiện nay thì ngoài các công việc chuyên môn còn phải đảm nhận luôn các công đoạn về thủ tục hành chính, quyết toán kinh phí đề tài,… Những công việc này cũng chiếm một khoản thời gian không nhỏ trong quá trình thực hiện.

Nhà khoa học trẻ Lan Phương chia sẻ, để có được những thành công trong công tác nghiên cứu khoa học, chị phải cảm ơn công lao hướng dẫn, dìu dắt của các thầy cô giáo, đồng nghiệp và đặc biệt là sự ủng hộ từ gia đình. Họ như là “bờ vai” giúp chị vượt qua những khó khăn, thử thách từ khi bước chân vào nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho đến nay.

Nhà khoa học trẻ Lê Thị Lan Phương
Nhà khoa học trẻ Lê Thị Lan Phương.

Ước mong có nhiều đam mê nghiên cứu khoa học

Tuổi trẻ có nhiều hoài bão lớn. Giải thưởng “Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ” năm 2014 là một sự động viên lớn trong việc nghiên cứu khoa học của Lan Phương. Tuy nhiên, đây chỉ là một cột mốc chưa phải là đích đến. Tiếp tục theo đuổi công trình nghiên cứu, để hoàn thiện chế phẩm từ đài hoa Bụp giấm, Thạc sĩ Lan Phương đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu sản xuất và chuẩn hóa dạng thuốc, đồng thời đi sâu nghiên cứu về cơ chế tác động của dạng chế phẩm này thông qua luận án nghiên cứu sinh.

Nếu chế phẩm từ đài hoa Bụp giấm được nghiên cứu hoàn thiện, Thạc sĩ Lan Phương sẽ ứng dụng tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM để có những đánh giá cụ thể trên bệnh nhân trước khi sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường. Kết quả nghiên cứu chế phẩm dạng thuốc từ đài hoa Bụp giấm thành công sẽ không chỉ cứu chữa cho hàng nghìn bệnh nhân bị bệnh về lipid máu và gan mà còn tận dụng nguồn dược liệu quý Bụp giấm ở trong nước. Việc này sẽ giúp phát triển vùng nguyên liệu trồng tại Việt Nam, đồng thời là một phương cách xóa đói giảm nghèo cho nông dân các tỉnh miền Trung, vì đây là vùng khô cằn, khó khăn trong trồng trọt các loại cây khác.

Nhà khoa học trẻ Lan Phương hy vọng rằng, những công trình nghiên cứu của mình và đồng nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương để mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội cũng như góp phần cứu chữa cho những bệnh nhân mắc những bệnh mạn tính với tỷ lệ mắc phải ngày càng cao hiện nay.

Không chỉ có nhiều hoài bão lớn trong nghiên cứu khoa học, nhà khoa học trẻ Lan Phương còn mong muốn sẽ có nhiều bạn trẻ theo đuổi, đam mê đến với công tác này bằng nhiều hình thức khác nhau như tham gia nhóm nghiên cứu và các cuộc thi từ thời sinh viên, tìm kiếm các học bổng về nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Việc này sẽ giúp các bạn phát triển các kỹ năng sau khi tốt nghiệp như kỹ năng tìm kiếm thông tin, ngoại ngữ, thuyết trình… và đặc biệt sẽ là nền tảng vững chắc nếu các bạn theo đuổi con đường khoa học trong tương lai.

Đóng góp cho sự phát triển của đất nước có nhiều hình thức khác nhau, trong đó, nghiên cứu khoa học là một con đường đòi hỏi các bạn trẻ phải có tâm, trung thực, niềm đam mê và nhiệt huyết, không gục ngã trước khó khăn hay khi gặp thất bại mà quan trọng hơn cả là phải biết mình rút ra được những gì từ những thất bại đó để hướng đến thành công trong tương lai.

Theo Bích Lan
VOV News

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm