SV báo chí, học thiếu hành thành... thất nghiệp!

“Anh ơi! giúp em với, em sắp tốt nghiệp đến nơi rồi mà không biết viết cái gì cả”, biên tập viên một tờ báo kể. Anh nhận được những lời đáng thương mà thật lòng đó của cô sinh viên báo chí.

Hiện nay, không ít SV Báo chí học lý thuyết tốt nhưng ra thực tế lại rất I- Tờ.

 

PGS- TS  Nguyễn Thị Minh Thái- Giảng viên trường Đại học khoa học xã hội và Nhân Văn Hà Nội( ĐHKHXHNV HN) từng nói: “ Nghề báo là nghề có thể học được nhưng khó có thể dạy được”.

 

Là người khá thành công trên lĩnh vực báo chí cô luôn áp dụng cách này và kèm nhiều sinh viên (SV) nhanh chóng đến với nghề, trong đó có nhiều người thành đạt dù có điểm xuất phát thấp.

 

Có người bảo làm báo phải có năng khiếu quả không sai. Ít nhất phải có khả năng giao tiếp, nhanh nhạy, nhìn nhận ra vấn đề. Thực tế có nhiều người chưa học qua ngành báo chí nào nhưng vẫn có khả năng viết được báo.

 

Tại hội chợ tư vấn việc làm cho SV báo chí ở ĐHKHXHNV - HN vừa qua, hầu hết các SV báo chí hệ tại chức đều bày tỏ băn khoăn, lo lắng: khó xin việc vì bằng cấp, mặc dù họ có thể làm được việc. Thực tế nhiều SV tại chức viết tốt hơn hệ chính quy, vì tại chức thường học buổi tối nên có nhiều thời gian dành cho thực tế.

 

Ở ĐHKHXHNV HN, nhiều SV tại chức báo chí đã tự sống được với nghề, tự trang bị cho mình những bộ đồ nghề: Máy ảnh, máy ghi âm, có người còn có cả máy tính xách tay và hầu như ai cũng dùng điện thoại di động.

 

Hầu hết SV tại chức nào cũng có một số lượng bài vở khá trên các mặt báo, còn số SV báo chí hệ chính quy đã tham gia viết báo chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

“Nhiều môn học lý thuyết vẫn còn xa với thực hành. Chẳng hạn với môn phỏng vấn, giáo viên chỉ thiên về cách trình bày, thời gian chuẩn bị, từ giấy, bút,  máy ghi âm... nhưng cái mà SV cần là đề tài nào nên phỏng vấn, xác định đối tượng phỏng vấn, cách đặt câu hỏi ra sao? ”- Sơn SV báo chí  ĐHKHXHNV - HN nói.

 

Còn có SV thì kể lại rằng: “Đợt đi thực tập vừa qua mình đi phỏng vấn một trưởng phòng Tài nguyên môi trường khá khó tính, bác ấy bảo chị cần hỏi những gì để tôi trả lời luôn và mình chỉ hỏi được một câu đã hết cả ý, sợ quá!”.

 

Có trường hợp vì kiến thức thực tế yếu, ngại giao tiếp nên đi đến cơ sở nhưng ngại không giám vào. Hiện có nhiều SV của trường Cao Đẳng Phát Thanh-Truyền hình có thực hành rất tốt, nhiều báo đài từng nhận xét là họ có thể viết nhanh và vững vàng về nghiệp vụ hơn cả SV Đại học.

 

Nhưng cái khó chung cho SV báo chí là không biết cơ quan báo chí chọn cái gì? Kiến thức lý thuyết hay thực hành? Có SV có số lượng tin, bài đồ sộ đăng tải trên các báo từ TƯ đến địa phương được nhiều báo gọi điện khen và khuyến khích làm cộng tác viên, nhưng đã nhiều năm qua vẫn chỉ là cộng tác mà thôi, đi nộp hồ sơ mãi vẫn không được một lần gọi đến phỏng vấn, thi tuyển, khi hỏi lại mới biết là hồ sơ không vượt qua vòng sơ tuyển vì... học tại chức.

 

Ngược lại có SV học lực loại khá, lý thuyết vững nhưng thực tế lại rất I-Tờ. “Nhiều lần do quá căn cứ vào hồ sơ nên chọn được học viên cao học hẳn hoi nhưng vào công việc mới biết mình chọn nhầm người, vì loay hoay mãi không viết nổi cái tin, trong lúc một học sinh Trung học truyền hình thì làm rất tốt”, Giám đốc một công ty vàng bạc sau lần tuyển nhân viên truyền thông nói.

 

Hầu hết những SV báo chí này đều tìm đến  chiếc “phao cứu hộ” là làm PR, nhân viên truyền thông cho các công ty tư nhân. Vì “tấm bằng” mà họ cần nhất “ làm được việc”. 

 

Hà Minh

(SV báo chí ĐHKHXHNV HN)

Theo Tiền Phong