Sửng sốt nghe thầy giáo giảng “Vợ nhặt” bằng... vọng cổ
(Dân trí) - Học sinh, đồng nghiệp và người nghe hết sức thích thú và ngỡ ngàng khi thầy giáo Trường THPT Phạm Phú Thứ (TPHCM) giảng tác phẩm "Vợ nhặt" bằng... ca vọng cổ.
"Ý nghĩa nhan đề gợi cho ta nhiều suy nghĩ trước tình huống bi thương ngang trái đến bất ngờ/ Nhặt rác, nhặt rơm, ai nhặt vợ bao giờ..."
Một đoạn trong clip giảng bài "Vợ nhặt" (Kim Lân) của thầy giáo Đặng Ngọc Ngận, giáo viên Văn, Trường THPT Phạm Phú Thứ, TPHCM gây sửng sốt cho người nghe. Không phải với cách giảng thông thường, mà thầy ca bằng... vọng cổ.
Nghe bài ca vọng cổ hơn 8 phút được thầy Ngận ghi âm lại, người nghe sẽ nắm được một cách khái quát về tác giả, tác phẩm "Vợ nhặt" với các giá trị nội dung, nghệ thuật được thể hiện cảm động, sâu sắc. Cùng với tiếng đờn, học sinh vừa thưởng thức âm nhạc truyền thống, vừa tiếp thu được kiến thức môn học.
Là một người đam mê nghệ thuật cải lương, trước đây thầy Ngận đã có thể ca rất nhiều tác phẩm nhưng chưa từng nghĩ đưa bài giảng thành cải lương.
Đợt nghỉ học dài tránh dịch Covid-19, thầy Ngận thấy học trò rất dễ bị quên bài, trong khi mình khá rảnh rỗi nên thầy tìm tòi thêm cải lương. Thầy nghĩ, sao lại không thử ca... bài giảng để học trò dễ nhớ, dễ hiểu.
Ở trường THPT Phạm Phú Thứ nơi thầy giảng dạy, trong nhiều hoạt động ngoại khóa, nhà trường cũng toàn chọn quan họ, dân ca Nam bộ và cải lương, do vậy học sinh không xa lạ với loại hình nghệ thuật này.
Thế là thầy thử giảng bài bằng vọng cổ, tự viết lời, dựa vào phần lời rồi lên mạng tìm bản đờn phù hợp ghép lại, rồi đích thân tự ca. Thầy cũng bất ngờ khi học sinh đón nhận rất hào hứng, thích thú.
Sau khi thầy Ngận chia sẻ clip bài vọng cổ "Vợ nhặt", lập tức nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ học sinh, đồng nghiệp ở khắp nơi. Nhiều giáo viên dạy Văn cũng chia sẻ lại bài giảng độc đáo này để học trò của mình tham khảo.
Bài giảng này nhận được nhiều lời khen ngợi về sự sáng tạo, về khả năng ca vọng cổ, về cách giảng dạy "đậm chất miền Tây", chất Văn từ đất phương Nam của thầy giáo trẻ.
Thầy Ngận bày tỏ, niềm vui lớn nhất là thầy hiệu trưởng hồi cấp 3 gọi điện khen "bài giảng cưng quá!". Thầy hiệu trưởng động viên học trò cũ tiếp tục phát huy, sáng tạo trong dạy học vừa góp phần bảo tồn văn hóa cải lương.
Cô Nguyễn Thị Phương Bắc, một đồng nghiệp của thầy Ngận, cũng là giáo viên dạy Văn xúc động chia sẻ với đàn em: "Chị còn đang nghĩ từ từ tiến tới em sẽ viết được kịch bản, chuyển thể tác phẩm, đưa lên sân khấu học đường. Nghệ thuật dân tộc không bao giờ mai một là nhờ những con người như em! Điều đó thật tuyệt vời!".
Nhận được sự khích lệ từ học trò, đồng nghiệp, thầy Ngận dự định sẽ thực hiện giảng các tác phẩm khác bằng hình thức hát vọng cổ.
"Một mũi tên, trúng nhiều đích". Thầy Ngận vừa thỏa đam mê cải lương của bản thân, học trò vừa dễ dàng nắm được được bài học, thầy lại còn "dụ" được các em nghe cải lương một cách tự nguyện.
Hoài Nam