Suất ăn trưa của giáo viên mầm non: Bữa ăn bị lãng quên

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Hình ảnh suất ăn trưa "bèo bọt" chỉ có 2 lát chả kèm canh được cho của giáo viên mầm non tại Bà Rịa - Vũng Tàu khiến dư luận sửng sốt. Lâu nay, các cô giáo ăn gì là điều ít được quan tâm.

Một loạt hình ảnh chụp bữa ăn trưa được cho của giáo viên tại Trường Mầm non Ánh Dương (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được đăng tải lên mạng xã hội. Những suất ăn này chỉ gồm cơm, 1 món canh và 1 món mặn với định lượng chỉ tương đương suất ăn bán trú dành cho trẻ mầm non. 

Cụ thể, phần món mặn là 2 lát chả lụa, hoặc 3 miếng thịt mỡ nhỏ bằng ngón tay cái kho với 2 miếng măng, hoặc một nhúm thịt kho dừa với miếng thịt được thái rất mỏng, hoặc 1 miếng trứng đúc thịt. 

Suất ăn trưa của giáo viên mầm non: Bữa ăn bị lãng quên - 1
Suất ăn trưa của giáo viên mầm non: Bữa ăn bị lãng quên - 2

Suất ăn trưa sơ sài được giáo viên mầm non trường Ánh Dương chụp lại (Ảnh: NVCC).

Nhìn suất cơm, không ai tin được đây là bữa trưa của các cô giáo.

Chiều ngày 17/9, trong cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, các giáo viên đã bật khóc và khẳng định hình ảnh về bữa ăn là sự thật. Các cô cho biết đã phải đóng 30.000 đồng cho mỗi suất ăn như thế này.

Năm ngoái, cũng tại trường này, một nhân viên cấp dưỡng đã bị sa thải sau khi tố cáo nhà trường bớt xét bữa ăn bán trú dành cho học sinh. 

Sự việc tại Trường Mầm non Ánh Dương chưa có kết luận chính thức từ chính quyền địa phương, nhưng phần nào cho thấy một thực tế rằng, lâu nay, các cô ăn gì là điều ít ai quan tâm đến.

Trong muôn vàn thông tin liên quan tới suất ăn bán trú trong nhà trường, từ mầm non tới THPT, suất ăn dành cho các thầy cô giáo gần như bị lãng quên. 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô N.H.T - một giáo viên mầm non tại Hà Nội - cho biết: "Theo đúng quy định, suất ăn của giáo viên phải độc lập với suất ăn của trẻ nhưng ở các nhóm trẻ mà tôi dạy trước đây, nơi tuân thủ nơi không. 

Những cơ sở có nguồn thu tốt, giáo viên được ăn nhiều hơn, chất hơn và ngược lại. Tuy nhiên, giá một suất ăn của giáo viên thường không quá 20.000 đồng. Nếu bếp nấu khéo, với số tiền này, các cô được ăn no.

Tôi từng nghỉ việc tại một cơ sở sau 3 tháng thử việc vì chủ cơ sở cho giáo viên ăn chung đồ với trẻ, đa số món mặn đều ở dạng xay, băm nhuyễn".

Cô T. cũng nói thêm, chế độ ăn phụ, ăn hoa quả tráng miệng dành cho giáo viên mầm non là "xa xỉ". Trong khi đó, thời gian làm việc của các cô thường kéo dài từ 6h30 đến 17h với giáo viên trường công và 18h với giáo viên trường tư thục, nhóm trẻ độc lập. Thời gian nghỉ trưa không quá một tiếng. 

"Như tôi dạy ở trường tư thục, phải tự chuẩn bị đồ ăn vặt, đặc biệt là bánh kẹo ngọt để phòng lúc đói, tụt huyết áp, nhất là thời gian về chiều", cô T. nói.

Cùng tâm sự, cô N.H.C, giáo viên mầm non tại Lạng Sơn cho biết, suất ăn trưa của các cô chỉ khoảng 15.000 đồng, rất sơ sài.

"Trong 15 năm làm nghề, tôi chưa từng có một bữa trưa đúng nghĩa ở trường. Chúng tôi phải phân ca trực, người ăn trước người ăn sau để đảm bảo trẻ luôn trong tầm mắt cô. Chúng tôi phải ăn vội vàng để còn nhanh về thay ca cho người còn lại đi ăn.

Từ khi có công nghệ camera, phụ huynh giám sát từng bước chân của giáo viên. Giáo viên chỉ cần đi ra khỏi khung hình quá 5 phút là ngay hôm sau chúng tôi đã nhận được ý kiến rồi. Do đó, một bữa ăn của chúng tôi thường chỉ gói gọn trong 20 phút cho cả hai người.

Vì ăn trong tâm thế như vậy nên chúng tôi không có cảm giác ngon. Nhiều khi ăn mà không biết mình ăn gì.

Do đó, khi nhìn hình ảnh suất ăn trưa nghèo nàn với 2-3 miếng thịt của đồng nghiệp, tôi ứa nước mắt. Công việc nuôi dạy trẻ vất vả là thế nhưng tiền lương thấp hơn giúp việc gia đình còn suất ăn như của trẻ mầm non, tôi tự hỏi chúng tôi có được tôn trọng hay không?".

Cũng theo cô C., lý do giáo viên thường im lặng thay vì phản ánh, đòi quyền lợi chính đáng là vì sợ mất việc. "Bạn tôi dạy ở Hà Nội, chứng kiến trẻ hằng ngày phải ăn đồ ăn kém dinh dưỡng đã ý kiến lên chủ trường và bị đuổi việc ngay sau đó. 

Một người bạn khác của tôi đòi quyền lợi cho trẻ bằng cách lén dùng điện thoại chụp suất ăn của trẻ, gửi cho phụ huynh biết, rồi chủ động xin nghỉ việc trước khi phụ huynh tố cáo trường lên mạng xã hội.

Bạn ấy cũng phải xin phụ huynh giấu toàn bộ danh tính. Bởi bạn ấy sợ sẽ không xin được vào đâu làm việc", cô C. nói.

Cô C. cho biết thêm, nghề giáo viên mầm non đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Điều kiện làm việc căng thẳng bào mòn thể chất rất nhanh. Tuy nhiên, chưa có quy định nào về chế độ bồi dưỡng cho giáo viên mầm non thông qua bữa ăn. 

Hiện nhà nước chưa có quy định về chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa đối với giáo viên mầm non, ngoại trừ chế độ trực trưa được một số tỉnh áp dụng.