Sự khác biệt đáng suy ngẫm
(Dân trí) - Giáo viên mình có thể phát biểu một đằng nhưng nghĩ một nẻo. Còn ở Phần Lan, có sự đồng nhất rất cao giữa văn bản, kế hoạch và hành động, họ không "sống hai mặt".
Trong quá trình thực hiện dự án “So sánh điển hình về vai trò các chủ thể tại hai trường tiểu học công lập của hai nước Việt Nam và Phần Lan”, TS Nguyễn Khánh Trung (Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED) nhận thấy nhiều sự khác biệt. Điều này được ông chia sẻ tại buổi toạ đàm giới thiệu dự án vừa diễn ra tại TPHCM.
Khi thực hiện khảo sát, phỏng vấn lấy kiến thức thực tế từ hiệu trưởng, giáo viên (GV), quản lý địa phương ở Việt Nam, 5 lần ông Trung đều ghi nhận câu trả lời như một văn bản soạn sẵn. Ít ai đề cập đến quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Chỉ khi đã trở nên thân thiết hơn qua những lần nhậu nhẹt, họ trải lòng, ông Trung mới ghi nhận được được những thông tin ý xác thực, thật lòng hơn.
Còn ở Phần Lan, cũng thông qua những cuộc khảo sát, phỏng vấn, quan sát có thể thấy rõ họ chân thật, có sự đồng nhất giữa lớn văn bản, suy nghĩ và hành động.
Nhìn người…
Một trong những chủ thể giáo dục ông Trung quan tâm là người thầy. Đây cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá là yếu tố đem lại sự thành công cho nền giáo dục tiên tiến của Phần Lan.
Ở đất nước này, hiệu trưởng có rất nhiều quyền như một “ông chủ” nhưng không có quyền can thiệp vào công việc trong lớp của GV. Người thầy hoàn toàn có quyền trong lớp học, thiết kế bài giảng theo cách của mình. Họ chủ động, được phân quyền, được tin tưởng bởi đã được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản.
Tuy nhiên, điều cần chú ý, GV ở họ là một nghề được trọng vọng, sự cạnh tranh vào các trường sư phạm rất lớn, rất khó nên có nhiều cơ hội để lựa chọn người giỏi, người có tâm hồn và mong muốn thật sự đối với công tác giáo dục. Người thầy đã đứng lớp là đã được đào tạo rất tốt, đảm bảo sự bài bản, chất lượng,
Tại trường tiểu học ở Phần Lan nơi ông Trung khảo sát, sĩ số lớp đông nhất là 20 học sinh (HS) với 3 GV đứng lớp. Trong đó một GV chịu trách nhiệm chính, một phụ giảng và một GV chỉ thực hiện trách nhiệm với một em HS khuyết tật trong lớp. Giáo dục của họ quan tâm đặc biệt đến những HS yếu, có vấn đề, trái với chúng ta, càng học giỏi càng được quan tâm (như qua hình thức trường chuyên, lớp chọn).
Ngẫm mình
Ở Việt Nam, Bộ GD-ĐT soạn chương trình, sách giáo khoa, sách GV, các điều lệ, quy chế…, GV thực hiện công việc dạy học theo cách được “cầm tay chỉ việc”. Người thầy là thợ dạy, phát ngôn viên của sách giáo khoa. Họ lao động dưới nhiều bậc thanh tra từ Sở, Phòng, hiệu trưởng, tổ chuyên môn… làm hạn chế đóng góp, sự chủ động của người thầy.
Người thợ dạy này, TS Trung phải nói rằng họ không có tự do trong công việc của mình. Có GV dạy vẽ tâm sự với ông, để xếp bàn trong lớp hình chữ U, thầy bị nhắc nhở và phải đấu tranh rất nhiều.
Chính từ sự bị động của người thầy, HS cũng phải chịu sự áp đặt, thụ động.
Ngoài ra, TS Nguyễn Khánh Trung chỉ ra những khác biệt đáng lưu ý như ở Phần Lan, giáo dục tiểu học không chạy theo thành tích, thi đua, xem nhẹ việc thi cử và điểm số, đánh giá HS là cả một quá trình, chủ trương khác biệt hoá trong giáo dục, không chủ trương thanh tra, kiểm tra mà đặt tin tưởng ở người thầy.
Trái ngược với ta là chủ trương thi đua khen thưởng dựa trên thành tích, điểm số, phong trào, nặng thi cử, kiểm tra cuối năm rất qua trọng trong việc đánh giá HS; giáo dục mang tính đồng loạt và xem thanh kiểm tra là một cách chính yếu để đảm bảo giáo dục.
Ông Trung cho rằng, rất hiếm sự tương đồng, nổi bật là sự khác biệt giữa nền giáo dục của Việt Nam với Phần Lan - đất nước với mô hình giáo dục nổi tiếng được rất nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm, Điều này khơi gợi lên câu hỏi đã được đặt ra lâu nay: “Có chăng giáo dục của chúng ta đang đi lạc đường?”. Mà lạc đường thì nguy hiểm hơn cả lạc hậu!