Sự học chênh vênh vì nghèo khó

Nghèo khó, trường xa, điều kiện ăn, ở thiếu thốn đã làm chất lượng học sinh giảm sút. Năm 2006, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) có 0% HS đậu tốt nghiệp. Năm nay, Trường THPT Tây Trà cũng chỉ có 1,6% HS đậu tốt nghiệp.

Không kiểm soát được đầu vào

Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng Bùi Thế Giới cho biết số học sinh (HS) nộp hồ sơ thi vào lớp 10 thấp hơn so với chỉ tiêu nên trường không tổ chức thi tuyển. Em nào được xét tốt nghiệp lớp 9, nộp hồ sơ là đương nhiên được vào học lớp 10.

Chính vì không kiểm soát được đầu vào nên nhà trường phải tổ chức thi kiểm tra đầu năm để phân loại chất lượng và có kế hoạch bồi dưỡng, bịt lỗ hổng kiến thức. Đồng thời, qua kiểm tra đầu năm học 2007-2008, nhà trường phân loại chất lượng HS ở các khối lớp và động viên giáo viên dạy thêm giờ, thêm tiết. Riêng trong thi cử phải tiến hành nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất chất lượng của HS, không để tình trạng ngồi nhầm lớp kéo dài.

Tuy nhiên, thầy Bùi Thế Giới cũng nhấn mạnh: “Cách làm này chỉ là phần ngọn bởi việc học tập là một quá trình. Nếu HS mất căn bản từ lớp dưới thì sẽ khó tiếp thu kiến thức khi học ở lớp cao hơn.”.

Cuối năm 2007, UBND huyện Sơn Tây đã mở một hội nghị bàn biện pháp cải thiện chất lượng giáo dục. Sau khi mổ xẻ, phân tích, tất cả đều thống nhất chất lượng HS kém do nghèo khó, các bậc cha mẹ khoán trắng việc học của con em cho nhà trường. Đồng thời, bệnh thành tích đã làm cho chất lượng giáo dục giảm sút. Do vậy cần phải tăng cường việc giảng dạy trong nhà trường, phát huy vai trò của hội cha mẹ, chính quyền và các đoàn thể trong việc vận động các em đến lớp.

Cái nghèo khiến sự học chênh vênh

Ở Tây Trà hiện có 85 % hộ nghèo và Sơn Tây có 61% hộ nghèo. Mặt khác, ở các huyện miền núi địa bàn rộng, trường học ở khu vực trung tâm xã, huyện lại quá xa. Ở xã Sơn Dung (huyện Sơn Tây) có những nơi như thôn Ra Manh, HS lớp 6 trở lên phải đi bộ đường đèo dốc 10-15 km về khu vực trung tâm xã để học. Do vậy, HS phải ở trọ nhà người quen, có em không xin được nhà trọ thì cha mẹ phải mượn tạm miếng đất, dựng một túp lều tạm bợ cho con mình ở để học.

Ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, mặc dù đã có bốn phòng ở bán trú nhưng cũng chỉ có khoảng 30 chỗ ở nên HS ở nơi xa phải xin ở trọ hoặc ở tạm trong những túp lều mà đồng bào dân tộc thiểu số dựng lên để nghỉ ngơi khi đi làm đồng. Còn ở Trường THPT huyện Tây Trà, nhiều HS ở các xã xa muốn học lên bậc THPT thì phải xin ở trọ và làm lều để học. Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Đức cho biết huyện đã từng bỏ kinh phí mua tôn để hỗ trợ cho các em làm lều nhưng rồi mái tôn thấp lè tè, mùa hè thì nắng nóng, mùa đông thì mưa gió đập rầm rầm ngủ đã khó làm sao có thể học bài?

Phải lo nơi ăn, ở cho HS

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi Thái Văn Đồng cho biết để cải thiện chất lượng giáo dục ở các huyện miền núi thì trước tiên phải tạo điều kiện cải thiện nơi ăn, ở, học tập cho các em trên cơ sở xây dựng nhà bán trú (Sơn Tây hiện có bốn phòng và Tây Trà đang xây dựng một nhà bán trú có thể cho trên 80 HS ở các xã xa về học). Bên cạnh đó, các thầy cô giáo tăng cường phụ đạo các môn học cho các em, thực hiện thi cử, đánh giá chất lượng thật nghiêm túc để tránh tình trạng “ngồi nhầm lớp” kéo dài dẫn đến tình trạng thi hết cấp là bị trượt quá nhiều.

Chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể cần nêu cao vai trò của mình trong việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số tạo điều kiện đưa con em mình đến trường.

Riêng việc chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT đợt hai của HS vào tháng 8, ông Đồng cho biết: Do bận lo thi tuyển sinh vào lớp 10 nên Sở chưa bàn vấn đề này nhưng ông sẽ đề nghị ngành trích kinh phí bồi dưỡng cho các em và đề nghị huyện hỗ trợ gạo để các em ôn tập.

Theo Võ Quý
Pháp Luật TPHCM