Thanh Hóa:

Sự "cứng nhắc" của Bộ GD-ĐT gây khó khăn cho học sinh đang học nghề

Nguyễn Thùy

(Dân trí) - Chỉ thị của Thủ tướng cho phép dạy văn hóa trong trường nghề thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn yêu cầu phải phối hợp với Trung tâm GDTX khiến học sinh, trường nghề loay hoay trước nhiều khó khăn.

Loay hoay chờ hướng dẫn

Theo quy định mới tại Công văn số 2857/BGDĐT-GDTX ngày 31/7/2020 về việc hướng dẫn tổ chức dạy học chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT kết hợp với học nghề.

Theo đó, học sinh học tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có nguyện vọng học chương trình GDTX cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT thì phải phối hợp với các cơ sở GDTX để tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT.

Sau khi được các Bộ, ngành liên quan kiến nghị, ngày 8/4/2021, kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đối với các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT thì được tiếp tục thực hiện; Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT.

Sự cứng nhắc của Bộ GD-ĐT gây khó khăn cho học sinh đang học nghề - 1

Công tác tuyển sinh trường nghề gặp khó trước quy định không được dạy chương trình GDTX cấp THPT của Bộ GD-ĐT.

Thế nhưng, mới đây, ngày 22/6/2021, Bộ GD-ĐT có văn bản chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với Trung tâm GDTX để dạy chương trình GDTX cấp THPT.

Tình trạng trên khiến các trường nghề loay hoay không biết phải xoay xở ra sao. Đáng nói, tại Thanh Hóa, có 3 trường đã được Trung tâm GDTX của huyện sáp nhập do hoạt động không hiệu quả như: Trường Trung cấp nghề Thạch Thành, Trung cấp nghề Nga Sơn và Trung cấp nghề Bỉm Sơn.

"Phải có phương án thế nào đối với trường đặc thù đã được Trung tâm GDTX sáp nhập như trường chúng tôi. Bởi nếu cứ theo quy định thì học sinh của nhà trường phải đi hơn 20 km mới đến được Trung tâm GDTX gần nhất để học văn hóa vì Trung tâm GDTX của huyện thì đã sáp nhập vào trường chúng tôi từ năm 2019 rồi", ông Nguyễn Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nga Sơn cho biết.

Ông Minh cũng chia sẻ: "Những em có nguyện vọng tiếp tục học lên cao đẳng, đại học, không có bằng phổ thông thì không học được. Nhiều em có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, tối thiểu phải có bằng tốt nghiệp THPT, nếu không có thì không đi được… Điều này, dẫn đến việc học sinh e dè khi đăng ký học tại các cơ sở GDNN".

"Thời điểm Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị, giáo viên của trường đi tuyển sinh khá suôn sẻ vì phụ huynh vẫn tin tưởng con em được học nghề song song với học văn hóa. Thế nhưng, từ hôm Bộ GD-ĐT ra văn bản mới nhất, rất nhiều phụ huynh đã đến xin rút hồ sơ", lãnh đạo một trường trung cấp nghề trên địa bàn Thanh Hóa cho biết.

Vị lãnh đạo này cũng băn khoăn trước việc kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chỉ thị của Thủ tướng nhưng Bộ GD-ĐT vẫn giữ quan điểm gây khó khăn cho học sinh tại các cơ sở GDNN. Tình trạng này rất khó đạt chỉ tiêu tuyển sinh theo số lượng tỉnh yêu cầu do rào cản lớn từ việc quy định mới của Bộ GD-ĐT.

"Phải phối hợp với trung tâm nào, phối hợp ra sao? Chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, rất băn khoăn việc học sinh còn nhỏ tuổi nhưng di chuyển đến 2 nơi để vừa học nghề, vừa học văn hóa thật sự rất bất cập", ông La Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa nói.

Hàng trăm giáo viên đứng trước nguy cơ thất nghiệp?

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 200 giáo viên đang giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT tại các trường trung cấp, cao đẳng. Nếu các cơ sở GDNN không được dạy chương trình GDTX cấp THPT đồng nghĩa với việc số giáo viên này sẽ mất việc làm.

Sự cứng nhắc của Bộ GD-ĐT gây khó khăn cho học sinh đang học nghề - 2

Sẽ lãng phí hàng loạt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường nghề đã được Sở GD-ĐT thẩm định dạy chương trình GDTX cấp THPT. 

Ông La Ngọc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết: "Nhà trường hiện có gần 50 giáo viên dạy văn hóa, trong đó có 17 giáo viên hợp đồng, còn lại là biên chế. Đây là bài toán khó đối với nhà trường nếu thực hiện theo quy định mới của Bộ GD-ĐT là học sinh phải sang Trung tâm GDTX để học văn hóa. Thời gian vừa qua, rất nhiều giáo viên hoang mang, lo lắng trước nguy cơ mất việc làm".

"Nhà trường hiện có 35 giáo viên văn hóa, trong đó có 22 giáo viên từ Trung tâm GDTX sáp nhập. Theo quy định mới, chúng tôi không biết giải quyết số lao động này như thế nào. Chúng tôi đã làm tờ trình báo cáo Sở GD-ĐT nhưng chưa được trả lời", ông Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nga Sơn cho hay.

Đáng nói, hầu hết các trường nghề trên địa bàn Thanh Hóa đã đầu tư, bố trí đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để giảng dạy chương trình GDTX bậc THPT theo luật từ nhiều năm trước.

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Phó trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, quy định mới của Bộ GD-ĐT có rất nhiều bất cập.

"Không chỉ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện phân luồng học sinh. Ngoài ra, gây lãng phí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chương trình GDTX cấp THPT đã được Sở GD-ĐT thẩm định.

Đặc biệt, hàng trăm giáo viên có nguy cơ mất việc trong khi đa số các nhà giáo là biên chế đang hưởng lương và các khoản phụ cấp khác từ ngân sách Nhà nước", bà Hương nói.

Theo bà Hương, các Trung tâm GDTX không thể đảm bảo được đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất để đào tạo cho hàng nghìn học sinh tại các trường trung cấp, cao đẳng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo…

Bà Hương cũng mong muốn, cho phép các trường tiếp tục giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT, đặc biệt là 3 trường trên địa bàn tỉnh đã được Trung tâm GDTX sáp nhập trước đó.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm