Câu chuyện giáo dục:

Sự áp đặt từ bức tranh "tấm bia mộ 100 tuổi" bị điểm 2

(Dân trí) - Bức tranh vẽ bia mộ 100 tuổi làm nhiều người ngỡ ngàng về tính thực tế và khả năng sáng tạo. Đồng thời, nhiều người cũng không khỏi bức xúc về điểm 2 với lời nhận xét "lạc đề" từ người chấm.

Nhiều ngày qua, bài làm môn Mỹ thuật vẽ bức tranh "tấm bia mộ 100 tuổi" ghi tên học sinh là N.T.T., học sinh lớp 2 được chia sẻ với rất nhiều phản hồi, bình luận trên mạng xã hội. 

Đây là bài kiểm tra môn Mỹ thuật với đề tài: "Hãy vẽ một bức tranh miêu tả khi em 100 tuổi". 

Sự áp đặt từ bức tranh tấm bia mộ 100 tuổi bị điểm 2 - 1

Bài làm môn Mỹ thuật vẽ tấm bia mộ 100 tuổi gây tranh cãi

Chưa bàn đến nghệ thuật, thẩm mỹ, nhưng về nội dung, cách thể hiện bức tranh, nhiều người phải "ngả mũ" về tính chân thực và cả sáng tạo của học trò. 

Các môn nghệ thuật, nhất là mỹ thuật, mang tính trừu tượng nhưng hiếm ai có thể hình dung ra được bức tranh khi mình... 100 tuổi, độ tuổi xưa nay quá hiếm. Bức tranh tấm bia mộ có phần u ám, rùng rợn nhưng vào độ tuổi ấy, với số đông chúng ta, hình ảnh còn lưu lại chính là nấm mồ.

Khen ngợi tính chân thực, sáng tạo của bức tranh bao nhiêu thì nhiều ý kiến càng bức xúc với những gì giáo viên thể hiện trên bài kiểm tra bấy nhiêu. Điểm 2 kèm nhận xét "xem lại đề tài" cho thấy người chấm chưa chấp nhận, tôn trọng sự sáng tạo, sự chân thực trong cách nhìn, tưởng tượng của học trò. 

Số điểm đó, lời nhận xét đó thể hiện sự áp đặt, phán xét góc nhìn của học trò, đồng thời người ra đề tài dường như còn chưa hiểu hết đề tài của mình giao. 

Cách nhận xét "Yêu cầu xem lại đề tài" của giáo viên phải nói không xa lạ trong các bài kiểm tra là một cách nhận xét máy móc, rập khuôn. Lời nhận xét chỉ với 5 từ lại có sức nặng phủ nhận toàn bộ bài làm của học trò. Nhưng nhận xét đó không thể hiện được vai trò của người thầy, thiếu tính cụ thể để giúp học trò, nếu lạc đề cũng biết mình lạc như thế nào, lạc ở đâu.

Mọi lời khen ngợi, góp ý và cả chê bai, nhất là với một đứa trẻ, cần cụ thể, chi tiết để các em biết mình được điểm nào, hạn chế điểm nào để khắc phục. Còn khen thì lời lẽ tâng bốc, chê thì phủ nhận toàn bộ dẫn đến tác dụng ngược. 

Tuy nhiên, cũng có khả năng đây là bài kiểm tra do ai đó tự tạo ra, đẩy lên mạng xã hội như một cách thể hiện sự sáng tạo, hài hước chứ không phải bài kiểm tra thật.

Sự áp đặt từ bức tranh tấm bia mộ 100 tuổi bị điểm 2 - 2

Trẻ nhỏ rất sáng tạo và thể hiện nhiều tỉnh cảm, tâm tư qua tranh (ảnh minh họa)

Trong tình huống này, phải nói người làm ra bài kiểm tra cũng rất phá cách, sáng tạo không chỉ trong việc ra đề tài, tranh vẽ mà cả còn thể hiện... cả trong cách cho điểm, nhận xét dễ dẫn đến những tranh cãi, chỉ trích về phía giáo viên. 

Trên đời, cái gì xuất hiện cũng có giá trị của nó. Bài kiểm tra này, nếu do ai đó làm ra, dừng lại ở một chút hài hước, giải trí và cũng để mọi người cùng nhìn lại bản thân, có cái nhìn cởi mở hơn, tránh áp đặt một chiều lên cách nhìn, trí tưởng tượng của trẻ thơ, nhẹ nhàng hơn trong lời nhận xét về các vấn đề của trẻ.

Còn chúng ta phê phán, chỉ trích, chê bai, đánh đồng giáo viên thì đó là điều không công bằng và đó cũng là một sự áp đặt.

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm