Sơn “liệt” và ước mơ Vexekhach.com
(Dân trí) - Ít ai ngờ, chàng sinh viên tật nguyền Trần Văn Sơn (đang học năm thứ 3 ngành Công nghệ thông tin tại trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) lại giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh sáng tạo năm 2007” do trường ĐH Đà Nẵng tổ chức.
“Bán vé xe khách qua mạng” là đề tài không những thuận tiện cho việc mua vé của hành khách, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người tàn tật.
Bị bại liệt từ khi mới 2 tuổi, Trần Văn Sơn (sinh năm 1984 ở một xã miền núi của huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) trải qua thời thơ ấu với những tháng ngày ngồi dưới con dốc đầu làng nhìn bạn bè cắp sách tới trường. Nhưng nỗ lực cộng với niềm say mê tự học đã đưa cậu đến với giảng đường khi 15 tuổi. Suốt 7 năm từ lớp 5 đến lớp 12, Sơn luôn là học sinh giỏi toàn diện và nhen nhóm ước mơ trở thành chuyên gia công nghệ thông tin.
Hành trình đến với con chữ
Khi Sơn lên 2 tuổi, đôi chân và cánh tay phải của cậu bé cứ teo tóp dần. Năm Sơn lên 9 tuổi, cả nhà cậu chuyển vào sống ở huyện Phú Lộc, mẹ cậu mở quầy tạp hóa, cha chạy xe công nông kiếm vài ba đồng nuôi năm đứa con. Nhà gần trường nhưng Sơn không được đi học. Mỗi ngày cậu ở nhà và lần dở những cuốn sách Toán, Văn của hai đứa em để làm quen với con chữ. Sau nỗ lực tập viết bằng tay trái, cậu bắt đầu làm Văn, tập làm Toán.
Có đứa bạn thân hay rủ Sơn lên giảng đường và khi bạn vào học, Sơn ngồi chơi ngoài hành lang lớp. Nhưng nhờ lòng ham học và trí thông minh, Sơn đã biết đọc viết thành thạo, làm Toán lớp 4 dễ dàng. Những lần đứa bạn nhờ làm bài giúp, Sơn tự lần mò và giải hết bài toán này đến bài toán khác.
Vào cuối năm học đó, cậu nói với ba mẹ lên trường xin cho mình đi học. Bị nhà trường từ chối vì là người tàn tật và chưa từng học lớp nào, Sơn nằm buồn bã nhiều ngày. “Cũng may, đứa bạn thân kể với cô giáo chủ nhiệm chuyện mình tự học và giải bài giúp nó, nên cô mới cho mình vào học lớp bồi dưỡng hè của cô”, Sơn kể.
Sau lớp học hè, thấy Sơn rất giỏi nên cô giáo đề xuất với nhà trường nhận Sơn vào học lớp 5 khi cậu đã đã 15 tuổi. Sơn nhớ lại: “Mình còn nhớ như in buổi học đầu tiên, cô giáo ra đề tập làm văn tả về người mẹ và mình đã được cô cho điểm 8. Cô bảo đó là bài văn hay nhất mà cô được đọc từ một học sinh, mình vẫn còn giữ bài làm văn đó cho tới bây giờ”.
Suốt những năm đi học, Sơn đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 9, Sơn đạt giải khuyến khích môn Văn toàn tỉnh. Lớp 12 cậu giành giải khuyến khích môn Toán, mang lại bao tự hào cho ba mẹ. Sơn quyết định thi vào ngành Công nghệ thông tin để sau này có thể giúp những người có hoàn cảnh như mình.
Sơn đang say mê sáng tạo bên chiếc vi tính tự mua. (Ảnh: Minh San)
Lập trang web Vexekhach.com
Hồi còn nhỏ, không ít lần Sơn bị chen lấn, xô đẩy đến khổ sở khi bắt xe về quê. Cảnh xe chạy lòng vòng bắt khách, ép giá xe, cảnh một người đi xe lăn chen chúc trong hàng trăm người mua vé về quê ăn Tết, hay một người tàn tật khác bị “ép” trong chiếc xe nhồi nhét để về quê… khiến Sơn suy nghĩ rất nhiều. Và cậu nung nấu ý tưởng tạo ra một trang web bán vé xe khách qua mạng.
Hôm Sơn nộp đề tài, nhiều người cảm động đến rơi nước mắt khi thấy cảnh Sơn được chú xe ôm cõng lên tới tầng ba của Trung tâm học liệu ĐH Đà Nẵng. “Cũng may chú xe ôm tốt bụng đã cõng mình, chứ không mình cũng chẳng thể nào tự xoay xở”, Sơn kể.
Một tháng trôi qua, Sơn rất vui mừng khi nhận được tin đề tài của mình lọt vào vòng chung kết cùng với 5 đề tài khác. Ngày chung kết cuộc thi (5/1/2008), có rất đông bạn bè, thầy cô cùng trường đến cổ vũ Sơn. Cả Ban giám khảo cũng ngạc nhiên khi thấy Sơn ngồi trên chiếc xe lăn trình bày đề tài. Và thật bất ngờ, đề tài lập trình trang web “Bán vé xe khách qua mạng” của cậu sinh viên tật nguyền đã đạt giải nhất của cuộc thi với phần thưởng 10 triệu đồng.
Trong đề tài, Sơn đã thiết kế phần đính kèm bản đồ, hình ảnh chuyến hành trình của xe, hành khách có thể đặt vé trước một tháng, yên tâm về chất lượng phục vụ và giá vé. Đề tài có thể thu hồi vốn trong khoảng thời gian 2 năm sau vận hành.
Th.S Lê Văn Hiểu, giám đốc Công ty Seatech Đà Nẵng và là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng là người đã giúp Sơn rất nhiều trong việc thực hiện đề tài, cho biết: “Đề tài của Sơn rất hoàn chỉnh về phần CNTT, có khả năng ứng dụng cao vì rất hiệu quả khi đáp ứng được nhu cầu mua vé không những cho cá nhân, gia đình mà còn cả tập thể, đặc biệt là cho các công ty du lịch”. |
Sơn cho biết: “Đề tài này hướng đến những hãng xe khách chất lượng và sẽ giúp khoảng 10 người tàn tật có việc làm khi làm việc bán vé qua mạng. Mình sẽ đặt tên trang web của đề tài này là Vexekhach.com khi được ứng dụng”.
Sơn tâm sự: “Khi ra trường mình sẽ đi làm, đến khi nào kiếm đủ tiền thì mình sẽ mở công ty để thực hiện giấc mơ bán vé xe khách qua mạng, nhằm tạo công ăn việc làm cho những người tàn tật”.
Trò chuyện với Trần Văn Sơn về công nghệ thông tin, tôi cứ như người ở thế giới xa lạ, ù ù cạc cạc không biết gì cả. Lâu lâu, ánh mắt Sơn lại sáng lên niềm tự hào, vui sướng. Tuy nhiên, khi tôi hỏi “Đề tài có được thực hiện không” thì Sơn cười buồn nói: “Em hy vọng đề tài này sẽ thực thi, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí nào cả”.
Minh San