Sôi động chuyện mua bán trường đại học
(Dân trí) - Những năm gần đây, giáo dục – đào tạo dường như trở thành lĩnh vực béo bở, đầy hấp dẫn thu hút hàng loạt nhà đầu tư lớn "nhảy vào" của nhiều tập đoàn. Điển hình nhất mới đây là việc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng xác nhận mua cổ phần của trường ĐH Hoa Sen – một trường ĐH tư có tiếng.
Phía tập đoàn Nguyễn Hoàng cho biết, một số cổ đông của Trường ĐH Hoa Sen đã tiếp cận và mong muốn chuyển nhượng lại cổ phần của họ tại Trường ĐH Hoa Sen. Tập đoàn Nguyễn Hoàng cho rằng đây cũng là cơ hội để thực hiện những điều tốt đẹp cho Hoa Sen nên đồng ý mua lại cổ phần từ những cổ đông này. Tuy nhiên vì đây là cả một quá trình đàm phán riêng rẽ với cổ đông hiện hữu nên chưa xác định số lượng cổ phần là bao nhiêu.
“Trường ĐH Hoa Sen là một đại học có chất lượng tốt và chúng tôi luôn mong muốn Hoa Sen tiếp tục phát triển. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban giám hiệu nhà trường sẽ đề ra các phương hướng cụ thể để đưa trường phát triển đi lên một tầm cao mới”, đại diện Tập đoàn này cho biết.
Thông tin tập đoàn Nguyễn Hoàng mua đủ số cổ phần cần thiết để sở hữu trường ĐH Hoa Sen trở thành điều gây xôn xao trong giới giáo dục mới đây. Một phần vì đây là một trong những trường ĐH tư có tiếng hiện nay.
Mặc dù trải qua một thời gian dài có tranh chấp nội bộ và sụt giảm về giá trị, tuy nhiên Hoa Sen hiện vẫn thuộc những trường có doanh thu cao từ học phí sinh viên. Cũng theo các chuyên gia giáo dục, trường ĐH sinh viên đông, thương hiệu tốt và đang trên đà phát triển. Như vậy, việc chuyển nhượng này được xem là “thương vụ ngàn tỷ” với một trường ĐH.
Trước đó, tập đoàn này cũng hoàn thành chuyển nhượng để trở thành chủ sở hữu của hàng loạt trường ĐH tư khác ở phía Nam như trường ĐH Gia Định, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ngoài ra, tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng hoàn thành mua, sở hữu hàng loạt các trường từ mầm non tới phổ thông quốc tế.
Tập đoàn Thành Thành Công cũng bắt đầu tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục thông qua việc mua Trường ĐH Yersin, Trường Cao đẳng (CĐ) Sonadezi. Tập đoàn Vingroup cũng là một tên tuổi với hệ thống Vinschool và sắp tới là trường đại học Vinuni…
Năm 2014, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Hutech cũng mua lại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF). Theo giới thạo tin, mức giá chuyển nhượng tầm khoảng 180 tỷ đồng. Trước đó, công ty này còn là chủ sở hữu của Trường ĐH Công nghệ TPHCM với số lượng sinh viên lên đến hàng ngàn.
Tập đoàn Hùng Hậu Holdings chỉ sau vài năm sở hữu Trường ĐH Văn Hiến cách đây 2 năm cũng hoàn tất mua hàng loạt trường CĐ Vạn Xuân, Trung cấp Vạn Hạnh, Trung cấp Vạn Tường, Trung cấp Âu Lạc (Huế).
Năm 2013, Trường ĐH Phan Thiết cũng được bán cho một nhóm nhà đầu tư mới với giá khoảng 60 tỷ đồng. Những nhà đầu tư này đều có chân trong hội đồng quản trị của ít nhất là một trường ĐH khác. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng trường CĐ Đại Việt Sài Gòn gần đây cũng là chủ của các trường Trung cấp Đại Việt TPHCM, CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ Công nghệ và kinh doanh Việt Tiến (Đà Nẵng) và trung cấp Đại Việt Cần Thơ.
Trong thực tế, sau hàng loạt cuộc mua bán, chuyển giao chủ sở hữu, các trường có những diễn biến khác nhau. Có trường từ chỗ đang phát triển nhưng khi chuyển sang nhà đầu tư mới lại có vấn đề; nhưng cũng nhiều trường từ đống đổ nát, khi có nhà đầu tư mới lại phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa sự sôi động mua bán ấy cũng cho thấy phải chăng giáo dục- đào tạo đang là một lĩnh vực béo bở, đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Lê Phương