Sợ mình thành "ác mẫu", cô giáo trẻ bỏ việc sau vài ngày đứng lớp
(Dân trí) - Từ sự việc thầy giáo xưng "bố mày", thóa mạ học sinh xin nghỉ việc, chị Lan nhớ lại chính câu chuyện vừa đi dạy được hai tuần đã xin nghỉ vì sợ mình thành... "ác mẫu".
Việc thầy giáo xưng "bố mày", thóa mạ học sinh tại Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội) có đơn xin nghỉ việc khiến nhiều người... thở phào.
Theo clip được chia sẻ trước đó, giáo viên này đứng trên bục giảng, chỉ tay vào mặt nam học sinh mặc đồng phục trắng, sử dụng các từ ngữ như "tao", "bố mày" để xưng hô với học trò. Người này còn nắm cổ học trò đẩy, cầm cuốn sách ném vào em này cùng tiếng quát "con chó này".
Chỉ trong một clip hơn 20 giây được chia sẻ trên mạng, không khó để thấy lời nói, hành vi, cách ứng xử của người này không phù hợp với vai trò một người thầy.
Cô giáo mầm non "bỏ việc chạy lấy người"
Trên thực tế, có một "góc khuất" diễn ra với không ít giáo viên nghỉ việc khi họ nhận ra bản thân không phù hợp với ngành nghề sau thời gian trải nghiệm quá trình dạy học.
Chị Phan Thu Lan - Trưởng phòng khách hàng một công ty chăm sóc sức khỏe ở TP Thủ Đức, TPHCM - kể, nhiều năm trước, chị đã bỏ hẳn nghề giáo sau đúng hai tuần nhận việc.
Theo học sư phạm mầm non, trải qua thời gian kiến tập, thực tập, chị Lan đã hình dung được phần nào công việc của một giáo viên mầm non. Khi đó, chỉ mới phụ việc, hỗ trợ cho giáo viên chính thức, cô nữ sinh đã thấy mệt mỏi, chán chường với công việc mình chọn.
Nhưng cũng như rất nhiều người, lỡ theo học thì ra trường phải đi làm, chị Lan xin vào dạy một trường mầm non tư thục. Khi đứng lớp chính thức, chị bị ức chế, căng thẳng, khó chịu với công việc chăm sóc trẻ nhỏ.
Chị Lan đau đầu, bực mình khi nghe tiếng trẻ khóc léo nhéo; chỉ cần bé nào nôn ói hoặc dỗ mãi không ngủ là máu trong người chị như lên não, mất kiểm soát...
Chỉ vài ngày đứng lớp, chị thừa nhận đã có lúc chị buông lời chì chiết, chê bai những đứa trẻ, còn cả nhéo, tát trẻ.
Để rồi khi bình tâm lại, chị sợ hãi chính bản thân, không dám nghĩ nếu tiếp tục thế này sẽ có chuyện gì xảy ra. Cô gái không muốn cuộc đời mình phải chôn vùi trong cảnh đi làm khổ sở, cau có, ngày ngày chửi bới, đánh mắng những đứa trẻ như vậy. Chị sợ nếu tiếp tục, mình sẽ trở thành "ác mẫu", rồi sẽ tự chán ghét, kinh hãi, khinh thường chính bản thân...
Cô giáo trẻ òa khóc với người đồng nghiệp lớn tuổi: "Chị ơi, lẽ nào cả đời em gắn với công việc làm mình chán ghét bản thân đến thế này sao?".
Chị được người đồng nghiệp lớn tuổi rất yêu trẻ động viên rằng, nếu xác định rõ mình không phù hợp với nghề thì nên sớm tìm con đường khác. Nếu cố bám trụ vì mưu sinh chỉ khổ bản thân, khổ những đứa trẻ lại bị đày đọa dưới tay mình.
Hết tuần thứ 2, chị Lan lên nộp đơn xin nghỉ việc. Chị cất tấm bằng sư phạm mầm non, chuyển sang học thêm về lĩnh vực chăm sóc, tư vấn khách hàng với đối tượng là người lớn. Lựa chọn lối đi đúng với sở thích và năng lực, công việc của chị Lan suôn sẻ và phát triển trong nhiều năm qua.
Mỗi lần nghĩ lại, chị Lan lại thở phào vì quyết định nghỉ việc năm đó của mình. Bởi nếu không, không biết bao nhiêu thế hệ trẻ nhỏ phải chịu đựng một cô giáo mà theo chị Lan tự gọi là độc hại.
Giáo viên bỏ việc không đáng ngại bằng không hợp vẫn... "bám" nghề
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, trong vòng 3 năm kể từ tháng 8/2023 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến hơn 40.000 người. Trong đó, năm học 2021-2022 có khoảng 16.000 người nghỉ việc, bỏ việc và năm học 2022-2023 với hơn 13.000 người.
Tình trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc thường được lý giải do mức lương thấp, áp lực công việc cao. Không phủ nhận lương giáo viên, môi trường làm việc là vấn đề cần được cải thiện để thu hút người giỏi, người có năng lực vào ngành sư phạm nhưng bên cạnh đó cần quan tâm đến khía cạnh phẩm chất phù hợp với nghề.
Từng học sư phạm, cũng từng đứng lớp, chị Lan chia sẻ: "Khi thấy một số bạn bè, đồng nghiệp cũ bỏ nghề chuyển sang lĩnh vực khác, tôi thấy mừng. Vì rất có thể như tôi, họ không hợp với nghề giáo".
Chị Lan cho rằng, giáo viên nghỉ việc không đáng ngại, chỉ sợ những người không có năng lực, phẩm chất, không nỗ lực học hỏi, suốt ngày chê bai, than vãn, trút giận lên trò... nhưng vẫn cố bám lấy nghề.
Nhìn lại nhiều vụ bạo hành học trò, không khó để thấy hàng loạt sự việc người thầy trút "đòn thù" lên học trò. Nhiều vụ việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ dã man, thậm chí đã có trường hợp trẻ tử vong, cô tù tội.
Ở lớp lớn hơn cũng không thiếu những việc đau lòng như cô bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, phạt tát trẻ hàng trăm cái, cho đến đủ lời xỉ vả, thóa mạ, chửi bới rồi đủ kiểu trù dập, chèn ép trẻ học thêm ...
Trước nhiều vụ bạo hành học trò, một nhà giáo dục ở TPHCM thốt lên rằng, không ai dí súng vào đầu bắt thầy cô giáo phải theo nghề. Người thầy không thể viện cớ nghề giáo lương thấp, lớp đông, áp lực cao, học sinh ngày nay khó dạy để bào chữa cho việc xem học sinh như kẻ thù.
Người này cho rằng, nghề nào cũng có áp lực, cũng có khó khăn, nếu thấy bản thân không đủ phẩm chất lẫn năng lực để làm tốt các yêu cầu của nghề đó thì hãy từ bỏ, chuyển sang công việc khác.
Trong một tọa đàm tại TPHCM về tình trạng giáo viên bỏ việc, TS Bùi Trân Phượng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen - bày tỏ, lương thấp chỉ là một trong vô số lý do và không phải lý do quan trọng nhất của tình trạng giáo viên bỏ việc.
Lương giáo viên từ xưa giờ vẫn thấp, có thể họ nghỉ việc xuất phát khi nhận thức ra bế tắc của bản thân. Bởi vậy, theo TS Bùi Trân Phượng, giáo viên bỏ nghề không hẳn là tín hiệu tiêu cực, có thể trong số giáo viên bỏ nghề, có người đã chọn lầm nghề và giờ họ bỏ đi chọn lại.
Chuyển sang nghề khác những người này phát huy năng lực tốt hơn, đóng góp cho xã hội hiệu quả hơn, bản thân họ hạnh phúc hơn.