Sở hữu 33 bằng đại học, tiến sĩ người Pháp đã học như thế nào?
(Dân trí) - Bác sĩ, luật sư, nhà kinh tế học, nhà ngoại giao, kiểm toán viên, giáo sư Hubert Petit - người sở hữu 33 bằng đại học quốc tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho biết, nhiều người hỏi rằng ông đã mất bao lâu để hoàn thành sự nghiệp học hành. Nhưng thực tế là không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này.
Tiến sĩ Hubert Petit, người được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness Thế giới với nhiều bằng đại học nhất (33 bằng đại học) bao gồm y tế, luật, kinh tế, khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, toán học, văn học, ngoại giao, dịch tễ học, xã hội học, dân tộc học, ngôn ngữ và văn minh Phương Đông,...
Ông là cựu sinh viên và giảng viên tại Trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA), cựu giảng viên Trường Đại học Strasbourg và nhiều trường đại học khác trên thế giới.
Người sở hữu 33 bằng đại học từng giữ cương vị Đại sứ của Cộng đồng Pháp ngữ và từng làm việc trong cơ quan ngoại giao của Pháp và Liên minh châu Âu tại Trung Đông, Balkans, châu Á, châu Phi, Hội đồng châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và UNESCO.
Trong buổi hội thảo “Học cách học” diễn ra ngày 27/4 vừa qua tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội, tiến sĩ Hubert Petit đã có những chia sẻ hữu ích về các phương pháp học đạt hiểu quả cao. Với kinh nghiệm sở hữu 33 bằng đại học và qua quá trình giảng dạy, ông đã chỉ rõ hai vấn đề chính mà người học cần hoàn thiện.
Học cách lắng nghe bản thân và mọi người
Một trong những điều quan trọng để việc học đạt hiệu quả tốt nhất đó là xuất phát từ chính bản thân người học. Không có ai đi đến thành công mà chưa từng phải nỗ lực và cố gắng. Thế nhưng sự nỗ lực ấy phải được định hướng rõ ràng, đúng đắn thì mới đem lại kết quả tích cực.
Tiến sĩ cho rằng, trước hết bản thân mỗi người cần phải xác định rõ tầm quan trọng của công việc. Đó là điều kiện cần để chúng ta có hướng đi đúng đắn trong tương lai. “Bản thân phải hiểu được rằng mình đang cố gắng cho điều gì và vì cái gì”, tiến sĩ nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ, việc tự học cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ngày nay, con người sống trong thời đại của thông tin. Chính vì thế, người học cần phải biết chọn lọc và khai thác những thông tin bổ ích, cần thiết.
Sau đó là việc xử lý các thông tin, biến những thông tin đó thành vốn kiến thức của mình và ứng dụng vào quá trình học tập, làm việc. Bên cạnh đó, sự tò mò, ham thích chính là động lực thúc đẩy chúng ta cố gắng theo đuổi mục đích đến cùng.
Nói về đam mê học của mình, tiến sĩ sở hữu 33 bằng đại học thế giới chia sẻ: “Tôi vừa học vừa làm từ năm 18 tuổi, sau này mặc dù đã có gia đình rồi nhưng tôi vẫn thích học và tìm tòi cái mới. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi lại có thể học tốt nhiều lĩnh vực khác nhau như thế.
Nhiều người hỏi rằng tôi đã mất bao lâu để hoàn thành sự nghiệp học hành ấy nhưng không có câu trả lời cụ thể nào cả. Bởi khi đam mê, ham thích điều gì đó rồi thì thời gian sẽ không còn là mối bận tâm nữa”.
Bên cạnh đó, việc nỗ lực, cố gắng của bản thân cũng gây ra sự lo lắng từ những áp lực học hành, công việc, cuộc sống. “Trước hết, tôi muốn các bạn hiểu rằng đó hoàn toàn là điều bình thường, là sự tất, lẽ, dĩ, ngẫu mà ai cũng phải trải qua”, tiến sĩ Hubert Petit nhấn mạnh.
Ông chia sẻ: “Có những người bị căng thẳng đến mức họ đăng ký cả những công việc như làm văn thư hay chạy việc thôi mặc dù có bằng cấp, thậm chí là tiến sĩ kinh tế. Trường hợp này cũng hoàn toàn dễ hiểu”. Nhìn từ một khía cạnh khác, ông cho rằng sự lo lắng là cần thiết bởi nhờ điều đó mà chúng ta luyện tập được khả năng vượt qua thử thách.
Không chỉ tìm tòi và khám phá bản thân, việc lắng nghe người khác cũng là điều mỗi người chúng ta cần phải trau dồi. Bác sĩ, luật sư, nhà kinh tế học Hubert Petit khuyên: “Hãy học cách đặt mình vào giám khảo để xem họ mong chờ gì từ mình”.
Ông đưa ra một ví dụ thực tế: “Trong đợt tuyển công chức cấp cao, có một thí sinh là thanh tra lao động. Chúng tôi đặt nhiều câu hỏi về công việc của anh ta hay lý do mà anh ta muốn trở thành công chức cấp cao khi đã có một công việc mà nhiều người mơ ước như vậy.
Anh ta nói: “Làm nghề này rất hay vì có nhiều quyền lực, kiểm soát các doanh nghiệp và không phải ngồi lì trong phòng làm việc”. Lúc đó tôi hỏi: “Bây giờ anh thi để vào công chức cao cấp, như vậy anh phải làm việc trong văn phòng chứ không thể đi thực địa như thế được?”
Sau đó thí sinh ấy trả lời: “Đấy vấn đề chính là ở chỗ đấy”. Câu trả lời ấy chứng tỏ rằng anh ta không hiểu được mong đợi của giám khảo. Và kết quả là thí sinh đó bị đánh trượt. Tuy nhiên, hiểu giám khảo không có nghĩa phải trả lời giống họ, quan trọng phải xây dựng được lập luận chắc chắn để thuyết phục người chấm.
Học cách thích nghi mà không đánh mất chính mình
Học tập hay làm việc trong bất kỳ môi trường nào, chúng ta cần rèn luyện kỹ năng thích nghi. Trước hết để làm được điều đó, mỗi người cần phải tự nghiêm khắc với bản thân và đưa mình vào một khuôn khổ trong việc xây dựng phương pháp học và cách tư duy.
Theo tiến sĩ Hubert Petit, một người học đúng cách là phải xác định được các yêu cầu của môn học hay lĩnh vực mà mình theo đuổi. Sau khi xác định được thì cần phải xây dựng hệ thống phương pháp học sao cho phù hợp với môn học và năng lực của bản thân. Và điều quan trọng là luôn luôn phải kiên trì với mục tiêu của bản thân. Ngoài ra, người học cần phải phát huy trí tưởng tượng của bản thân trong mọi người hợp như cách ghi nhớ hiệu quả, lâu dài.
Hơn nữa, người học luôn phải linh hoạt trong tư duy. Nhà ngoại giao Hubert Petit chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi thăm Việt Nam và cách đây vài tuần tôi đã giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Ngoại Giao.
Tôi có đặt một câu hỏi cho sinh viên: Các bạn ủng hộ bình đẳng hay công bằng trong xã hội? Nghe giống nhau nhưng phải suy ngẫm kĩ điểm chính của câu hỏi để thấy được giá trị mà câu hỏi hướng đến là tính công bằng và sự bất công”.
Trau dồi những kỹ năng sống để thích nghi trong mọi hoàn cảnh sẽ giúp người học đạt hiệu quả cao. Thế nhưng thích nghi nhưng vẫn phải luôn giữ được bản sắc riêng của mình. Mỗi người cần tránh sự tự cao và phải hình thành tính khiêm tốn, nhất là trong các kì thi và trước ban giám khảo.
“Kiến thức của chúng ta không phải là vô biên và luôn phải có tinh thần ham học hỏi. Đặc biệt trong các kì thi, tránh việc lên mặt dạy dỗ và lấy kiến thức của mình để nhạo báng giám khảo”, ông Hubert Petit nhấn mạnh.
Tiến sĩ Hubert Petit cũng chỉ rõ quan điểm của mình về tầm quan trọng của việc học. Ông chia sẻ về những dịp bản thân được nói chuyện với các doanh nhân thành công bằng con đường tự học mà không cần bằng cấp và nhấn mạnh.
“Tri thức có thể được lĩnh hội mà không cần qua hệ thống bằng cấp và thành công không nhất thiết cần phải có bằng cấp. Tuy nhiên, con đường đó không dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Chính vì vậy, học tập và chứng minh qua các kì thi là con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất để có thể chạm đến thành công”, ông khẳng định.
Hồng Nhung (ghi)