Sở GD&ĐT Phú Thọ chỉ đạo làm rõ vụ nữ sinh bị đánh đến cấm khẩu

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc nữ sinh Quyền Thị Phương Hà (học sinh lớp 11A4, Trường THPT Tử Hà, Phú Thọ) bị bạn đánh hội đồng sau đó cấm khẩu, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản chỉ đạo tới bên liên quan để làm rõ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Sở sẽ thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét từng trường hợp cụ thể, có hình thức xử lý nghiêm túc đúng quy định. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị giáo dục, bên cạnh việc tổ chức giảng dạy văn hóa phải quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, phổ biến giáo dục, pháp luật cho học sinh.

Nữ sinh Phương Hà đã có thẻ nói chuyện trở lại sau khi cấm khẩu.

Nữ sinh Phương Hà đã có thẻ nói chuyện trở lại sau khi cấm khẩu.


Về phía trường THPT Tử Đà, Sở GD&ĐT đề nghị trường tiếp tục đến thăm hỏi, động viên và có hình thức hỗ trợ kịp thời để em Hà sớm tiếp tục đến trường học. Sau khi xảy ra sự việc, Công an tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Công an huyện Phù Ninh vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Đồng thời phối hợp với Viện Pháp y tâm thần Trung ương tiến hành giám định phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, vào tháng 10/2014, chỉ vì một câu nói trên mạng xã hội mà Hà bị 4 nữ sinh cùng lớp đánh hội đồng. Một tuần sau đó, Hà đột nhiên không nói được, giao tiếp với mọi người đều chỉ là qua giấy bút. Chỉ đến lúc ấy nhà trường mới biết chuyện và xử lý kỷ luật 4 nữ sinh đã tham gia đánh hội đồng hôm đó.

Bác sĩ Dương Văn Tâm - Trưởng đơn vị điều trị liệt vận động và rối loạn ngôn ngữ (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết: “Sau khi bệnh nhân Hà được thầy giáo và gia đình đưa cháu xuống Hà Nội, chúng tôi đã tiếp nhận điều trị ngay đồng thời báo với ban giám đốc bệnh viện. Giám đốc cũng trao đổi với chúng tôi và vạch ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân kết hợp nhiều phương pháp, dùng điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, tâm lý ngôn ngữ trị liệu”.

“Sau 8 lần châm cứu, bệnh nhân Hà có thể tự trình bày được ý nghĩ, suy nghĩ của mình, nói chuyện vui vẻ với mọi người chứ không thu mình sợ hãi, ngại không giao tiếp như những ngày đầu mới đưa vào bệnh viện. Đây được gọi là chứng bệnh mất ngôn ngữ nặng nề sau ức chế stress, Tây y gọi là hội chứng phân ly (rối loạn tâm can). Bệnh tình của nữ sinh Hà đang tiến triển tốt, một vài hôm nữa, Hà có thể nói lại lưu loát”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Lê Tú
 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm