SITC Nha Trang sập tiệm và những giải trình không thuyết phục!

Sau khi cơ sở giảng dạy chính của Trường Anh ngữ quốc tế SITC đặt tại TPHCM đột ngột đóng cửa, đồng thời những người có trách nhiệm của trường bỗng nhiên mất tăm; đến sáng 23/1, tình trạng cũng xảy ra tương tự tại chi nhánh SITC Nha Trang (115A, Hoàng Văn Thụ).

Sáng chủ nhật, 22/1, chi nhánh SITC Nha Trang vẫn hoạt động như mọi ngày. Tất cả HS của các lớp đều học bình thường. Thế nhưng, trong “nội bộ” của chi nhánh đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường.

 

Những thông tin về việc “bốc hơi” của “trường mẹ” tại TPHCM cùng những sự cố xảy ra trong gần 2 tháng qua đã cho thấy nguy cơ đóng cửa chi nhánh sẽ sớm xảy ra.

 

Dấu hiệu nhận thấy rõ nhất đó là việc nợ lương tháng 12/2005 của giáo viên, nhân viên. Đến gần hết tháng 1/2006 vẫn dây dưa không thanh toán, mọi liên lạc với “trường mẹ” ngày càng khó khăn và “đứt” hẳn.

 

Ngay trong chiều 22/1, nhiều giáo viên và nhân viên tại đây đã có cuộc hội ý để đưa ra giải pháp “tự cứu mình”. Đông đảo nhân viên của trường đã tập trung tại văn phòng chi nhánh để gây áp lực với người đại diện. Thậm chí, có người đã “manh động” đòi xiết nợ bằng cách mang tài sản của trường đem đi. Mặc khác, một số phụ huynh nghe được thông tin cũng đã kéo đến đòi lại tiền, phản ứng gay gắt với nhân viên tại đây.

 

Trước sự việc ngày càng diễn biến phức tạp, người đại diện của chi nhánh buộc phải gọi điện nhờ cảnh sát 113 đến can thiệp. Đồng thời, cũng đề nghị lực lượng an ninh, chính quyền địa phương đến tham gia giải quyết hậu quả. Để bảo đảm tình hình an ninh trật tự, kiềm chế những hành vi qúa khích có thể xảy ra, công an TP Nha Trang và công an tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành cho niêm phong tất cả phòng ốc, kho quỹ của chi nhánh. Đúng 12h trưa, việc niêm phong được hoàn thành, trường SITC Nha Trang tạm thời đóng cửa.

 

Được biết, ngày 13/8/2003, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp phép cho đơn vị LIFE KNOWLEDGE CONSULTANCY PTE. LTD, trụ sở chính tại Singapore thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo có tên Việt Nam là "Trung tâm đào tạo quản lý cao cấp" (viết tắt SITC) trụ sở chính tại 29, Lê Duẩn (quận 1), với chức năng: "Đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kỹ năng quản trị kinh doanh và nghiệp vụ văn phòng".

 

Sau hơn 1 năm hoạt động, SITC mở rộng thêm hàng loạt chi nhánh tại TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Riêng chi nhánh tại Nha Trang đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2004 với việc chiêu sinh nhiều lớp học cho các đối tượng khác nhau, trong đó chủ yếu là Anh văn cho trẻ em.

 

Theo giới thiệu của chi nhánh, có thời điểm nơi đây tiếp nhận gần 2.000 học viên đến học. Đội ngũ giáo viên của chi nhanh thường dao động trong khoảng 6 giáo viên người nước ngoài và 20 giáo viên người Việt. Theo đánh giá của phụ huynh HS, chất lượng giảng dạy của trường là ‘trên trung bình”, đặc biệt khả năng giao tiếp được nâng lên rõ rệt. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh đã tiếp tục cho con em theo học.

 

Học phí mà chi nhánh SITC Nha Trang đưa ra có nhiều mức khác nhau ( từ 160 – 200 USD/năm) với 3 gói học phí: 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Riêng trường hợp đóng trọn gói một năm sẽ giảm 10%. Chính vì “điều khoản” hấp dẫn này, nhiều phụ huynh đã móc hầu bao đóng trọn năm.

 

Trường Anh ngữ quốc tế SITC, 100% vốn đầu tư nước ngoài (Singapore), được Bộ Kế hoạch- Đầu tư cấp đăng ký kinh doanh và Sở GD-ĐT TP.HCM cấp phép hoạt động tại TPHCM. Hiệu trưởng trường này là ông Michael Yu, quốc tịch Singapore. Trường hiện có 6 cơ sở ở Q.1, Q.5, Q.6, Q.10, Q. Bình Thạnh và Q. Tân Bình (Theo Người lao động).

 

Ở Hà Nội, có 3 cơ sở tại đường Láng, Bích Câu và Đại Cồ Việt

 

Theo nguồn tin từ cơ quan công an tỉnh Khánh Hoà, đây là một vụ án khá phức tạp vì những người ở chi nhánh Nha Trang cũng chỉ là nạn nhân. Chính vì vậy công an tỉnh đã báo cáo với Bộ đề nghị được phối hợp với công an TPHCM giải quyết vụ việc này.

SITC Nha Trang: Giải trình của đại diện không thuyết phục!

Sau khi bị niêm phong và đóng cửa, nhiều giáo viên và nhân viên chi nhánh SITC Nha Trang đã chủ động đến tìm gặp chúng tôi để phản ánh thắc mắc xung quanh những việc làm của bà Đoàn Thị Như Ý, đại diện cho SITC tại Nha Trang.

 

Trước đây, bà Ý là kế toán, sau đó chuyển lên làm trợ lý cho trưởng Chi nhánh người nước ngoài. Cách đây hơn 2 tháng, vị đại diện này được rút về TP.HCM và quyền điều hành được giao hoàn toàn cho bà Ý. Bà Ý là người giữ liên lạc thường xuyên và làm việc trực tiếp với lãnh đạo trung tâm tại TPHCM. Hiện, bà Ý là người có trách nhiệm cao nhất tại đây và mức lương bà được hưởng cũng thuộc dạng đứng đầu chi nhánh.

 

Đáng lưu ý là cho đến thứ 5 vừa qua, chi nhánh SITC Nha Trang vẫn tiếp tục thu tiền học phí của học viên.

 

Khi trao đổi với báo chí và cơ quan công an, bà Ý cho rằng mình cũng là người bị hại, hoàn toàn không hay biết, không nắm rõ hoạt động của “Trung tâm mẹ” tại TP.HCM.

 

Một số thành viên tham gia việc kiểm tra chi nhánh sáng ngày 23/1 cho biết, giải trình các khoản thu chi của bà Ý khá mơ hồ. Bà Ý cho biết, từ trước đến nay, mới chuyển vào cho trung tâm TPHCM 20.000 USD và đã từ lâu, chi nhánh thực hiện theo cơ chế tự thu tự chi. Thế nhưng, đối chiếu học phí thu của gần 1.500 học viên với số tiền lên trên 1,7 tỷ đồng nhưng tồn quỹ của chi nhánh hiện chỉ còn trên 18 triệu đồng là điều bất hợp lý.

 

 

 

Theo Vietnamnet

Dòng sự kiện: SITC