Sinh viên Y học... chay

Lo lắng với chất lượng đào tạo ngành y dược đang xuống cấp, vừa qua Bộ Y tế đã gửi kiến nghị đến Bộ GDĐT cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo. Tuy nhiên, phúc đáp của ngành GD-ĐT đang dấy lên nhiều quan ngại về việc sinh viên y khoa đang được đào tạo... “chay”.

Trường công nghiệp cũng đào tạo ngành y

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2012, cả nước có tới 144 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó có 26 trường đại học (ĐH), 74 trường cao đẳng, 44 trường trung cấp - dạy nghề.

 

Sinh viên trường y cần được thực hành nhiều và có môi trường bệnh viện để thực tập.
Sinh viên trường y cần được thực hành nhiều và có môi trường bệnh viện để thực tập.


Trong khi nhân lực y tế là ngành đào tạo đặc biệt, yêu cầu các điều kiện thực hành rất khắt khe thì theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc mở ngành đào tạo chỉ cần sở GDĐT địa phương thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng. Không chỉ các trường ĐH công lập mà các trường ngoài công lập cũng đua nhau mở ngành y.

Trong khi điểm đầu vào của ĐH Y Hà Nội luôn ở mức 27-28 điểm thì một số trường dân lập khác điểm đầu vào ngành y chỉ ở mức “sàn”. Nhiều chuyên gia y tế lo lắng, điểm đầu vào thấp, điều kiện đào tạo không chuẩn, trình độ giảng viên không được thẩm định thì không thể đào tạo ra bác sĩ, dược sĩ đủ điều kiện khám chữa bệnh. TS Lê Quang Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, việc đào tạo nhân lực ngành y mà Bộ Y tế, các chuyên gia y tế đứng ngoài cuộc, sẽ có nguy cơ chất lượng y bác sĩ bị giảm sút.

Ngay sau đó Bộ GDĐT đã “phản pháo”, cho rằng đào tạo ngành y vẫn tốt, công tác thẩm định đạt yêu cầu. Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Quy trình thẩm định mở ngành từ trước đến nay áp dụng cho tất cả các ngành. Điều này phù hợp với việc giao quyền tự chủ cho các trường và phân cấp quản lý theo Nghị định 115 của Chính phủ. Nay Bộ Y tế đề nghị có thêm cán bộ y tế tham gia vào quá trình thẩm định thì Bộ GDĐT quyết định mời sở y tế các tỉnh, thành tham gia. Bộ Y tế cũng không nên tham gia để đảm bảo sự phân cấp này”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Bộ GDĐT dường như không thể kiểm soát hết các sai phạm trong đào tạo ngành y. Trong đó mới đây nhất, hệ cao đẳng ngành điều dưỡng của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã tuyển sinh đào tạo khi chưa có phép. Việc tuyển sinh cũng rất bát nháo.

Cụ thể: Trong tổng số 214 sinh viên (SV) theo học thì chỉ có 80 SV là đủ điều kiện tuyển sinh đầu vào, 95 SV có kết quả thi tuyển sinh năm 2010 dưới điểm sàn và 39 thí sinh dự thi liên thông vào hệ cao đẳng không phải thi môn đầu vào (toán học). Khi bị Bộ GDĐT “tuýt còi”, tháng 2.2013, trường buộc phải chuyển số SV này sang các trường y có điều kiện giảng dạy chuyên nghiệp. Nhưng các trường này cũng không nhận, vì cho rằng đầu vào không đạt chuẩn.

Đào tạo đặc thù cần chính sách đặc thù

GS - TS Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, giảng viên ĐH Y phân tích, muốn đào tạo được bác sĩ thì một trường ĐH phải cần có những điều kiện cơ sở vật chất, trình độ rất đặc thù. Bác sĩ muốn thành nghề phải có các labo để làm thí nghiệm, xét nghiệm, phải có các xác ướp để nghiên cứu, thực hành.

“Tôi không hiểu các trường ĐH đó khi dạy cho SV y khoa về giải phẫu, thực hành xét nghiệm… thì sẽ phải làm thế nào. Chẳng lẽ xét nghiệm chay, mổ chay? Trong khi bác sĩ muốn giỏi phải được luyện tập, thực hành với những thao tác thật” – GS Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, nhà trường cũng phải liên kết với các bệnh viện để cho SV đến thực tập, làm phẫu thuật, thủ thuật đơn giản. Làm sao có thể tin tưởng “gửi gắm” bệnh nhân vào tay những SV chỉ biết đọc văn bản.

Trong công văn kiến nghị, đại diện Bộ Y tế đã yêu cầu cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ GDĐT trong việc đào tạo nhân lực ngành y. Bộ Y tế cần được tham gia vào việc thẩm định cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên khi mở ngành đào tạo y, dược. Bộ GDĐT đã phản bác đề nghị này.

 

Theo GS Việt, ngoài việc đào tạo chuyên môn, việc giáo dục y đức cho sinh viên cũng rất quan trọng. Y đức cũng không chỉ có được bằng cách học lý thuyết, đọc lời thề Hipocrat mà có.

Y đức có được qua việc học những người thầy hướng dẫn hàng ngày, qua cách ứng xử với người bệnh, cách khám bệnh, đi buồng, kê đơn. GS Việt lo lắng việc “dạy ào ào, học qua loa” sẽ càng khiến y đức bị giảm sút trầm trọng hơn.

 

 

 
Theo Tuấn Kiệt - Quốc Hải

Dân Việt