Sinh viên trường nghề thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/tháng sau tốt nghiệp
(Dân trí) - Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Hà Nội thông tin, 90% sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp trong khoảng thời gian 6 tháng đã có việc làm phù hợp.
70% thực hành, 30% lý thuyết
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Đức Bình - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ thông tin, 90% sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp trong khoảng thời gian 6 tháng đã có việc làm phù hợp, sau một năm, con số này là 100%, mức thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/tháng.
Đó là kết quả của chương trình đào tạo nghề với 70% thực hành, 30% lý thuyết. Sinh viên tốt nghiệp có lợi thế về kiến thức, kỹ năng nghề tốt, nắm bắt được các công nghệ tiên tiến, có trình độ tiếng Anh tốt, năng động, tự tin và làm chủ Công nghệ thông tin (CNTT).
Trong quá trình học nghề, sinh viên được thực hành, thực tập, giới thiệu việc làm thêm và tham quan doanh nghiệp. Đặc biệt, sinh viên có cơ hội tham gia các Hội thi tay nghề cấp Trường, cấp Thành phố, cấp Quốc gia, Asean và Thế giới.
Ông Bình cho biết, sinh viên được tạo điều kiện thực tập tại các doanh nghiệp ngay từ những năm đầu học nghề. Việc này tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế, phát triển kỹ năng giải quyết những vấn đề phát sinh. Sinh viên có cơ hội mở rộng các mối quan hệ để tìm kiếm việc làm.
Qua hợp tác, doanh nghiệp luôn có một đội ngũ nhân lực vững chắc hỗ trợ khi có nhu cầu. Đồng thời doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đào tạo, vì thời gian thực tập là thời gian sinh viên thể hiện năng lực và doanh nghiệp đánh giá năng lực, phẩm chất của sinh viên để tuyển dụng vào làm việc ngay.
Ông Bình chia sẻ thêm, nhà trường xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. Qua đó, nắm được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, những mùa tuyển dụng cao điểm để giới thiệu sinh viên, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Những cựu sinh viên đang làm việc tại các doanh nghiệp thường xuyên liên hệ với nhà trường. Các buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm với cựu sinh viên được tổ chức. Qua đó, nhà trường cải tiến chương trình đào tạo theo từng thời điểm cho phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
Đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội là định hướng quan trọng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường thường xuyên đào tạo thêm các nghề mới theo nhu cầu của xã hội. Chương trình đào tạo được cập nhật, trang thiết bị dạy nghề hiện đại, sát với thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Người học là trung tâm để nhà trường thay đổi phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy.
Ngày càng nhiều học sinh đăng ký học nghề
Hiện nay, học nghề đang là xu hướng. Ngày càng nhiều học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đăng ký học nghề để sớm tìm kiếm việc làm, tiết kiệm thời gian và chi phí cho gia đình. Đó là kết quả của quá trình tư vấn hướng nghiệp, phân luồng bài bản, hợp lý để các em xác định lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân và nhu cầu của xã hội.
Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả của Dân trí, ông Nguyễn Đức Bình - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ cho biết, riêng hệ thống GDNN phải đi theo nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Các nghề phải tiếp tục tiếp cận để sinh viên ra trường được doanh nghiệp tiếp nhận ngay.
"Tất cả ngành nghề mà nhà trường đào tạo đều là nghề xã hội đang cần. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, một số nghề xã hội rất cần, lương cao nhưng người học gần như ít quan tâm, vì họ cho rằng đó là những nghề nặng nhọc và độc hại. Ví dụ nghề Cơ khí chế tạo, bây giờ chủ yếu là ngồi phòng lạnh bấm nút cho máy CNC làm việc, nhưng sinh viên vẫn thích những nghề Dịch vụ hay CNTT, còn những nghề công nghiệp gốc thì họ lại ngại.
Để chọn ngành "hot" hay thu nhập cao, tôi khuyên các em phải có hiểu biết về năng lực và sở trường của bản thân. Mình phải đam mê, yêu nghề thì mới thành nghề. Còn nếu cứ lướt sóng theo xã hội, hôm nay học kinh tế, hôm sau lại học sang kỹ thuật thì rất khó khăn", ông Bình nói.
Các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trước, trong và sau quá trình đào tạo tại nhà trường được quan tâm thực hiện. Việc này nhằm tránh hiện tượng chọn nghề theo trào lưu, chọn cho xong việc.
Nhà trường đã tổ chức các chương trình cung cấp thông tin cụ thể về từng ngành, nghề đào tạo. Mỗi thầy cô là một tấm gương hướng nghiệp giá trị nhất. Giáo viên lồng ghép định hướng nghề nghiệp vào các môn học do mình giảng dạy. Việc này không chỉ được thực hiện ở nội dung môn học của từng nghề, mà còn trong cả phương pháp dạy học.
Sinh viên học nghề thường xuyên được thăm quan các doanh nghiệp. Đây là hoạt động giúp học sinh tăng hứng thú học nghề, đồng thời hình thành biểu tượng nghề khi chứng kiến các hoạt động của người thợ tại doanh nghiệp.
Các khoa chuyên môn tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm liên quan đến hướng nghiệp. Học sinh được trao đổi, thảo luận với sự định hướng của các thầy cô. Từ đó, học sinh thấy được những ngành nghề phù hợp với năng lực của mình.
Hiện nay, học nghề là vấn đề mang tính thời sự, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng đang đẩy mạnh xu hướng giáo dục này.
Trong Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ có đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học nghề trình độ trung cấp, ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp trung phổ thông sẽ tham gia học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.