Sinh viên thể hiện mình – tại sao không?

Những sinh viên mới ra trường đến làm việc ở các cơ quan thường bị “khoác” cho cái tội “Thích thể hiện mình”, hay nặng nề hơn là “Ngựa non háu đá”. Để đối phó, hầu hết các tân cử nhân đều tìm cách hạ bớt nhiệt tình, giảm hăng hái, “cất” bớt sáng kiến mới,… để hòa hợp với những chuẩn vô hình đã đặt ra từ trước.

Nhiều người không chịu được lối làm việc cầm chừng, vừa làm vừa ngó nghiêng, thì đi tìm công việc khác với hi vọng mong manh là cách đối xử ở cơ quan mới dễ chịu hơn.

 

Đ.T.Lê một giáo viên trẻ của trường ĐH M. phàn nàn: “Mình mệt mỏi lắm rồi. Suốt ngày bị tổ trưởng bộ môn bắt bẻ. Cái gì cũng phải thông qua, kể cả việc cỏn con như cho sinh viên làm bài tập nhóm. Sơ xuất chút ít là bị qui cho tội thích thể hiện, coi thường tập thể” (!)

 

Còn T. Tuấn, đang làm việc trong một viện nghiên cứu lớn ở Hà Nội, thì khẳng định: “Tôi sẽ bỏ việc ở đây. Không thể chịu nổi cái kiểu bình quân chủ nghĩa, ai cũng làm việc tầm tầm như ai, mình muốn vươn lên lại mang tiếng là thích chơi trội”.

 

Những trường hợp như trên không phải là hiếm. Ở nhiều cơ quan vẫn còn có những người “sống lâu lên lão làng”, những người này thường chạm tự ái khi những nhân viên trẻ tỏ ra hăng hái, nhiệt tình và được việc hơn. Họ phê phán những người trẻ là thích thể hiện mình trong khi chính họ cũng đang tìm cách thể hiện quyền lực mà họ có được.

 

Thể hiện mình đâu phải là một tội? Tuổi trẻ thích tự thể hiện tính đam mê, ham sáng tạo -đó là cách để tự hoàn thiện bản thân và thúc đẩy bước tiến xã hội.

 

Hiện nay nhiều công ty nước ngoài chủ trương tạo môi trường cạnh tranh, khuyến khích các nhân viên thể hiện, sáng tạo, vậy mà vẫn còn nhiều người sẵn sàng dội những gáo nước lạnh vào niềm nhiệt tình tuổi trẻ. Liệu sự nhiệt tình ấy có bị nguộị tắt và một ngày nào đó những nhân viên trẻ hôm nay sẽ lại trở thành lực cản của những người trẻ hơn muốn thể hiện mình?

 

Bảo PhượngGD&TĐ